Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 299/TDHT-CVĐL năm 2005 sửa đổi, bổ sung Công văn 44/CV-TDHT do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 299/TDHT-CVĐL
Ngày ban hành 30/09/2005
Ngày có hiệu lực 30/09/2005
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Trần Quang Khánh
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 299/TDHT-CVĐL
V/v sửa đổi, bổ sung Công văn số 44/CV-TDHT ngày 18/2/2003 của NHNN.

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2005

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố có QTDND

Ngày 3/2/2005, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 (gọi tắt là Quyết định số 127) và ngày 31/5/2005 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 1 của Quyết định số 127; để tạo điều kiện thuận lợi cho các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thực hiện, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn bổ sung một số điểm tại Công văn số 44/CV-TDHT ngày 18/2/2003 của Ngân hàng Nhà nước Hướng dẫn thực hiện “Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với các Quỹ tín dụng nhân dân” như sau:

1- Các Khoản d và đ của Điểm 3 gộp thành Khoản d mới và được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc Quỹ tín dụng thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ vay đối với các khoản nợ vay của khách hàng theo hai phương thức sau:

- Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc Quỹ tín dụng chấp thuận thay đổi kỳ hạn trả nợ gốc, kỳ hạn trả nợ lãi, kỳ hạn trả nợ gốc và lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thoả thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng nhưng kỳ hạn trả nợ cuối cùng không thay đổi.

- Gia hạn nợ vay là việc Quỹ tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi, trả nợ gốc và lãi vốn vay vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng.”

2- Khoản e, Điểm 3 được bổ sung, sửa đổi như sau:

“e) Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống mà khách hàng gửi đến Quỹ tín dụng là một tập hợp những đề xuất; trong đó có tổng nhu cầu vốn, số vốn xin vay, cách thức sử dụng vốn và cách thức trả nợ vay trong một khoảng thời gian xác định.”

3- Khoản b, Điểm 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Đối với Khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được Quỹ tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn và Quỹ tín dụng thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ; việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật. Quỹ tín dụng phân loại toàn bộ số dư nợ gốc của khách hàng vay có nợ quá hạn vào tài khoản cho vay thích hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

4- Nội dung nêu tại Khoản b Điểm 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án phục vụ đời sống: Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng căn cứ vào thể loại cho vay (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn), mức vốn xin vay và Mục đích sử dụng tiền vay để quy định những món vay mà Quỹ tín dụng phải yêu cầu khách hàng lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án phục vụ đời sống bằng văn bản riêng (Phụ lục 03 đính kèm Công văn này) và những món vay khách hàng được gộp chung dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc phương án phục vụ đời sống vào Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu số 01b/TD đính kèm Công văn này)”.

5- Điểm 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“19. Kiểm tra, giám sát vốn vay

a- Quỹ tín dụng có trách nhiệm và có quyền kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.

b- Trên cơ sở hướng dẫn tại Phụ lục 01 đính kèm Công văn này, Quỹ tín dụng phải xây dựng và ban hành văn bản quy định về quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quỹ tín dụng và tính chất của khoản vay, nhằm bảo đảm hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay.

6- Điểm 20 được sửa đổi như sau:

“20. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

a- Các Quỹ tín dụng tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay.

- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc, nợ lãi vốn vay, hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và Quỹ tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo, thì Quỹ tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, trả nợ lãi vốn vay, hoặc trả nợ cả gốc và lãi vốn vay.

- Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc, nợ lãi vốn vay hoặc cả nợ gốc và lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và được Quỹ tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì Quỹ tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng. Quỹ tín dụng tự quy định trong Quy chế cho vay thời hạn gia hạn nợ vay tối đa đối với từng thể loại cho vay (ngắn, trung, dài hạn) phù hợp với điều kiện thực tế của mình.

Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được phân loại vào các nhóm thích hợp theo quy định về phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b- Trên cơ sở các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và hướng dẫn tại Phụ lục 02 đính kèm Công văn này, Quỹ tín dụng phải ban hành văn bản quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng.

c- Đối với các khoản nợ vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các Quỹ tín dụng phải báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với tổ chức tín dụng.”

7- Khoản a, Điểm 21 được sửa đổi như sau:

“a) Khách hàng vay bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính;”.

8- Phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro:

Định kỳ, các Quỹ tín dụng căn cứ vào tình trạng trả nợ vay, kết quả đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh (nếu có), khả năng tài chính và trả nợ của khách hàng vay để phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

[...]