Công văn 2956/TCHQ-TXNK năm 2014 trả lời vướng mắc Thông tư 128/2013/TT-BTC do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 2956/TCHQ-TXNK
Ngày ban hành 24/03/2014
Ngày có hiệu lực 24/03/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Hoàng Việt Cường
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2956/TCHQ-TXNK
V/v trả lời vướng mắc TT 128

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hải Phòng.

Trả lời vướng mắc thực hiện Thông tư 128/2013/TT-BTC của Cục Hải quan TP. Hải Phòng, nội dung về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại mục II Bảng ngang tổng hợp vướng mắc kèm công văn số 11708/HQHP-GSQL (gọi tắt là Bảng vướng mắc), Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về khai hải quan (điểm 1 Bảng vướng mắc)

- Theo quy định tại khoản 8 Điều 11 Thông tư 128/2013/TT-BTC thì khi kiểm tra, phát hiện người nộp thuế không tự giác kê khai, nộp thuế hàng hóa đã thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa, cơ quan hải quan sẽ phải ấn định thuế theo tờ khai nhập khẩu ban đầu;

Thời hạn nộp tiền thuế ấn định đối với các tờ khai đăng ký trước ngày 1/7/2013 và từ ngày 1/7/2013 đã được hướng dẫn cụ thể tại khoản 6 Điều 20 Thông tư 128/2013/TT-BTC.

- Việc kê khai, nộp thuế đối với trường hợp chuyển tiêu thụ nội địa hàng NSXXK và hàng TN-TX đã được quy định cụ thể tại khoản 8, 9 Điều 10 Thông tư 194/2010/TT-BTC (nay là khoản 8 Điều 11 Thông tư 128/2013/TT-BTC).

2. Về đồng tiền nộp thuế (điểm 2 Bảng vướng mắc)

Tổng cục Hải quan ghi nhận phản ánh của đơn vị để báo cáo Bộ sửa đổi Thông tư 128/2013/TT-BTC cho phù hợp.

3. Về thời hạn nộp thuế (điểm 3 Bảng vướng mắc)

3.1. Điều kiện về cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu thuộc sở hữu của người nộp thuế tại điểm a.1 khoản 1 Điều 20 Thông tư 128/2013/TT-BTC.

Đề nghị đơn vị thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 437/BTC-TCHQ ngày 10/01/2014.

3.2. Về kiểm tra điều kiện “không bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán” tại điểm a.4 khoản 1 Điều 20 Thông tư 128/2013/TT-BTC

Theo mẫu số 18/CKCSSX/2013 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 128/2013/TT-BTC: Để được áp dụng 275 ngày, doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tuân thủ pháp luật, trong đó phai cam kết về việc không bị xử phạt trong lĩnh vực kế toán. Trên cơ sở khai báo, cam kết của doanh nghiệp, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra theo quy định về quản lý rủi ro, trường hợp phát hiện cam kết của doanh nghiệp không đúng thì xử phạt theo quy định của pháp luật.

3.3. Thẩm quyền xem xét chuyển tiêu thụ nội địa hàng NSXXK tại điểm c khoản 1 Điều 20 Thông tư 128/2013/TT-BTC

- Khoản 4 Điều 39 Thông tư 128/2013/TT-BTC đã quy định rõ Chi cục Hải quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt cho phép doanh nghiệp chuyển tiêu thụ nội địa.

- Điểm c.1, c.2 khoản 1 Điều 20 Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định Cục Hải quan tỉnh, thành phố có thẩm quyền xem xét không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp chuyển tiêu thụ nội địa, tái xuất nguyên liệu vật tư có lý do khách quan.

Như vậy, thẩm quyền quy định tại điểm c.1, c.2 khoản 1 Điều 20 và khoản 4 Điều 39 là khác nhau. Việc Cục Hải quan ủy quyền cho Chi cục xem xét xử lý đối với trường hợp quy định tại điểm c.1, c.2 khoản 1 Điều 20, đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

3.4. Về điều chỉnh tiền thuế chênh lệch khi có giá chính thức trên hệ thống KT559

Vấn đề này đã được hướng dẫn tại số thứ tự 35, Bảng tổng hợp vướng mắc ban hành kèm theo công văn 7700/TCHQ-GSQL ngày 13/12/2013 của Tổng cục.

4. Về cách xác định số tiền thuế trung bình khi ấn định thuế (điểm 4 Bảng vướng mắc)

Trường hợp không xác định được thời điểm tính thuế và/hoặc các căn cứ tính thuê cho hàng hóa cùng loại chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc nhiều tờ khai hải quan khác nhau, thì số tiền ấn định thuế được xác định theo hướng dẫn tại điểm c.2.2 khoản 6 Điều 25 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính, theo đó:

- Số tiền thuế ấn định là số tiền thuế trung bình tính theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan

Ví dụ: Mặt hàng A nhập khẩu miễn thuế tại 10 tờ khai với số lượng nhập khẩu là 100 kg. Khi mặt hàng này chuyển đổi mục đích sử dụng với số lượng là 50 kg, thuộc trường hợp cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục ấn định thuế nhưng không xác định được thời điểm tính thuế và/hoặc các căn cứ tính thuế của mặt hàng này thì số tiền thuế ấn định được xác định như sau:

Số tiền thuế ấn định của 50 kg

=

Tổng số tiền thuế của mặt hàng A tại 10 tờ khai
(tính theo thời điểm đăng ký tờ khai hải quan)

X 50

100

- Thời hạn nộp thuế ấn định thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Thông tư 128/2013/TT-BTC.

5. Về bảo lãnh thuế (điểm 5, điểm 6 Bảng vướng mắc)

5.1. Điều kiện vốn chủ sở hữu tại điểm a khoản 2 Điều 21 Thông tư 128/2013/TT-BTC

- Về kiểm tra điều kiện để được áp dụng bảo lãnh: Nội dung này đã được quy định cụ thể tại điểm a khoản 2 Điều 21 Thông tư 128/2013/TT-BTC. Theo đó, trên cơ sở khai báo, cam kết của doanh nghiệp, cơ quan hải quan kiểm tra, đánh giá theo quy định về quản lý rủi ro.

[...]