Công văn 287/BCT-XNK năm 2022 về tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, thúc đẩy tiêu thụ nông sản do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 287/BCT-XNK
Ngày ban hành 18/01/2022
Ngày có hiệu lực 18/01/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Quốc Khánh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 287/BCT-XNK
V/v tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Từ đầu tháng 12/2021, trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại tất cả các cửa khẩu, bao gồm cả cảng biển và các cửa khẩu biên giới đất liền. Tiến độ thông quan hàng hóa, vì vậy, đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Việc này, kết hợp với việc nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào chính vụ thu hoạch, đã gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa, phương tiện trên diện rộng tại 02 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh[1].

Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đã hết sức quan tâm, tích cực vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tổ chức 02 cuộc họp trực tuyến vào các ngày 26 tháng 12 năm 2021 và ngày 08 tháng 01 năm 2022. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi thư cho các đối tác Trung Quốc và chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương tổ chức hội đàm với tỉnh Quảng Tây và Bộ Thương mại Trung Quốc đ bàn giải pháp tháo gỡ ách tắc tại khu vực cửa khẩu. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và gần đây nhất, ngày 13 tháng 01 năm 2022, đã trực tiếp điện đàm với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường để trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, trong đó có việc giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa và phương tiện tại khu vực biên giới.

Đến nay, tình hình tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có sự cải thiện đáng ghi nhận[2]. Tuy nhiên, rủi ro vẫn tiềm ẩn bởi mặc dù các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai đã liên tục khuyến cáo nhưng xe chở hàng từ tuyến sau vẫn tiếp tục dồn lên cửa khẩu. Tình trạng ùn tắc vẫn có thể xuất hiện trở lại do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, năng lực bốc dỡ của cả 02 bên lại càng ngày càng hạn chế do nhân lực bốc xếp nghỉ việc về quê ăn Tết. Với điều kiện thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc như hiện nay, từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ có thể xử lý, giải tỏa được lượng hàng đang còn tồn đọng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17 tháng 01 năm 2022, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc[3] do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Tài chính, Y tế và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai.

Trên cơ sở bàn bạc thống nhất trong Ban Chỉ đạo, để triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị quý Ủy ban như sau:

1. Khẩn trương rà soát tình hình sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu trên địa bàn, đặc biệt là nhóm hàng trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc, để có định hướng điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiến độ thu hoạch phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới nhiều khả năng còn gặp khó khăn.

2. Chủ động liên hệ với các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm tình hình, cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý đến lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để kịp thời thông tin, khuyến cáo các doanh nghiệp và hộ sản xuất, xuất khẩu nông sản trên địa bàn có phương án điều tiết lượng hàng đưa lên cửa khẩu phù hợp với năng lực và tiến độ thông quan tại các cửa khẩu này.

3. Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các kênh mới trong nước và ngoài nước, qua đó giúp giảm bớt khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Các biện pháp chủ yếu bao gồm:

- Xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng nông sản đang tồn và dự kiến sẽ thu hoạch trong thời gian tới đây; tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, các tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ nông sản, nhất là trái cây tươi.

- Chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp có kho lạnh trên địa bàn cho thương nhân, doanh nghiệp gửi tạm trữ các mặt hàng nông sản, trái cây khi vào vụ thu hoạch.

- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ách tắc nông sản, hàng hóa trong lưu thông.

4. Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho lưu thông, tiêu thụ xuất khẩu nông sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27 tháng 12 năm 2021 và Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại các cuộc họp trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, ách tắc tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bộ Công Thương trân trọng cảm ơn sự phối hợp của quý Ủy ban./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các đ/c Phó TTgCP (để b/c);
- Ban CĐQG phòng, chống dịch Covid-19;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Các Bộ: NN&PTNT, NG, TC, YT, GTVT,
QP, CA;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Sở Công Thương các tỉnh/thành phố;
- Các đơn vị: AP, TTTN, XTTM, KH;
- Lưu: VT, XNK(02).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

 



[1] Cao điểm ùn tắc xảy ra vào các ngày 24 và 25/12/2021, khi có tới gần 6.000 phương tiện chờ xuất khẩu trên địa bàn Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh). Bên kia biên giới cũng tồn đọng hàng ngàn xe chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.

[2] Đến ngày 18 tháng 01 năm 2022, toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có 12 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Tổng lượng xe còn tồn tại 02 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đã giảm gần 3.500 xe so với thời điểm cuối tháng 12 năm 2021.

[3] Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 121/VPCP-QHQT ngày 13 tháng 01 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất thành lập Nhóm công tác về thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung.

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ