Công văn 2845/BNV-CCVC năm 2014 vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công, viên chức và người lao động do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 2845/BNV-CCVC
Ngày ban hành 29/07/2014
Ngày có hiệu lực 29/07/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Tiến Trung
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2845/BNV-CCVC
V/v vướng mắc trong thực hiện BHXH đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Trả lời công văn số 2380/BHXH-BT ngày 01/7/2014 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Sau khi nghiên cứu, Bộ Nội vụ có ý kiến như sau:

1. Về nội dung: Đối với các trường hợp hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không đúng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thì có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không? Nếu trường hợp này được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại Khoản 1 hay Khoản 2 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội?

Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ quy định việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Đây không phải là văn bản quy phạm quy định và điều chỉnh về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc và Thông tư số 19/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do vậy, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ quy định nêu trên để xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp chưa rõ về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đề nghị có văn bản trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là cơ quan chủ trì xây dựng các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn, giải đáp.

2. Về nội dung: Đối với công chức, viên chức trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không, đóng theo tiền lương nào?

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Công chức, viên chức trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và thuộc nhóm đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng được xác định theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3. Về nội dung: Thực hiện bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức cấp xã và các trường hợp hợp đồng lao động với Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Về tồn đọng trong thực hiện bảo hiểm xã hội đối với chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự và Phó trưởng Công an xã

- Để giải quyết công bằng, triệt để và không còn có ý kiến khác nhau cũng như bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp số lượng chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự và Phó trưởng Công an xã đã đóng Bảo hiểm xã hội.

- Thời gian đóng Bảo hiểm xã hội của các chức danh nêu trên được xác định như sau:

+ Trước khi Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành (sau đây viết tắt là Nghị định số 121/2003/NĐ-CP);

+ Từ khi Nghị định số 121/2003/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02/11/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh dân quân tự vệ có hiệu lực thi hành (sau đây viết tắt là Nghị định số 184/2004/NĐ-CP);

+ Từ khi Nghị định số 184/2004/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến khi có thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2304/VPCP-NC ngày 29/4/2005 về chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã;

+ Từ ngày 29/4/2005 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2304/VPCP-NC đến khi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có hiệu lực thi hành (sau đây viết tắt là Nghị định số 92/2009/NĐ-CP).

Sau khi có tổng hợp số lượng chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự và Phó trưởng Công an xã đã đóng bảo hiểm xã hội tính theo các thời điểm nêu trên, Bộ Nội vụ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

b) Về xác định tiền lương để đóng Bảo hiểm xã hội đối với chức danh Thường trực Đảng ủy xã (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác Đảng) có trình độ đào tạo sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định: “Áp dụng việc thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này đối với Bí thư, Phó Bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập đảng ủy cấp xã); Thường trực đảng ủy (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng)”. Do vậy, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 92/2009 để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với chức danh Thường trực Đảng ủy xã (nơi không có Phó Bí thư chuyên trách công tác Đảng) có trình độ đào tạo sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

c) Về thực hiện bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp có hợp đồng lao động với Ủy ban nhân dân cấp xã

- Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì ở cấp xã không có đối tượng là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.

- Đối với các trường hợp đã ký hợp đồng lao động với Ủy ban nhân dân trước đây, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho các đối tượng này như những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

Trên đây là ý kiến của Bộ Nội vụ, gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TT Trần Anh Tuấn (để báo cáo);
- TT Nguyễn Duy Thăng (để báo cáo);
- Vụ Tiền lương;
- Vụ Chính quyền địa phương;
- Lưu: VT, CCVC.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CÔNG CHỨC - VIÊN CHỨC




Nguyễn Tiến Trung

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ