Công văn 2813/LĐTBXH-TCCB năm 2013 thống kê số lượng, cơ cấu và đánh giá chất lượng đội ngũ viên chức ngành do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 2813/LĐTBXH-TCCB
Ngày ban hành 31/07/2013
Ngày có hiệu lực 31/07/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thanh Hòa
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2813/LĐTBXH-TCCB
V/v Thống kê số lượng, cơ cấu và đánh giá chất lượng đội ngũ viên chức ngành

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2013

 

Kính gửi:

Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thực hiện quy định của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang rà soát, xây dựng hệ thống chức danh nghề nghiệp và bộ tiêu chuẩn và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, thống kê số lượng, cơ cấu (theo biểu đính kèm) và đánh giá chất lượng đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực của ngành (đề cương báo cáo kèm theo). Báo cáo cần phân tích số liệu, đánh giá cụ thể về những vướng mắc, tồn tại trong quá trình tuyển dụng, sử dụng, xếp lương và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, trong đó cần đề xuất việc xếp lương theo chức danh nghề nghiệp (chức danh nghề nghiệp đã có hoặc đề xuất mới) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của viên chức và các yêu cầu điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ, chuyên ngành đào tạo tương ứng với chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm của viên chức.

Để thực hiện đúng pháp luật và tiến độ thời gian theo quy định, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai và gửi báo cáo về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 10 tháng 8 năm 2013, đồng thời gửi gấp bản mềm qua hộp thư điện tử: thuhanghd2002@yahoo.com

Nhận được công văn này, Bộ đề nghị Thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc các Sở chỉ đạo triển khai thực hiện theo thời gian yêu cầu./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VP, Vụ TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Hòa

 

CƠ QUAN……………………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Đề cương

…….., ngày    tháng    năm 2013

 

BÁO CÁO

Thực trạng và kiến nghị về hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức ngành lao động-thương binh và xã hội

I. Thực trạng đội ngũ công chức, viên chức ngành lao động-thương binh và xã hội (LĐTB&XH)

1. Số lượng viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành LĐTB&XH; thống kê theo trình độ đào tạo (đại học, cao đẳng, trung học,…), theo ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp (CDNN) viên chức (ngạch bác sỹ, y tá, giáo viên, công tác xã hội, kỹ thuật viên,…).

2. Phân tích theo số liệu nêu trên và thực trạng việc áp dụng CDNN viên chức đối với đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp ngành như thế nào (VD: Tổng số bao nhiêu viên chức, phân chia và áp dụng theo những CDNN nào, số lượng viên chức ở mỗi CDNN đó là bao nhiêu, bao nhiêu người đang áp dụng đúng CDNN, phù hợp với cấp bậc và chuyên ngành đào tạo, với nhiệm vụ của viên chức theo vị trí việc làm…).

3. Việc xếp lương và các chính sách, chế độ phụ cấp tương ứng viên chức được hưởng theo từng loại CDNN (VD: viên chức xếp theo CDNN ngành y tế như bác sỹ, y tá, điều dưỡng,… đang được hưởng những chế độ phụ cấp nào?...).

II. Đánh giá chất lượng viên chức làm công tác ngành LĐTB&XH

1. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức bổ trợ và kỹ năng làm việc:

- Đánh giá về sự phù hợp giữa cấp bậc, chuyên ngành đào tạo của viên chức với yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhiệm; ưu điểm, hạn chế của đội ngũ viên chức về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn?

2. Về xếp ngạch/chức danh nghề nghiệp và các chế độ phụ cấp:

- Việc xếp ngạch hoặc CDNN có phù hợp với trình độ, năng lực, vị trí việc làm viên chức đang đảm nhiệm không? Hiện nay, các ngạch, CDNN có đủ để áp dụng cho tất cả các vị trí công việc trong các đơn vị sự nghiệp của ngành LĐTB&XH không? Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mỗi ngạch, CDNN đã rõ nét và đầy đủ chưa?

- Các chính sách và chế độ phụ cấp hiện hưởng có phù hợp không?

3. Những khó khăn, vướng mắc trong việc xếp ngạch, CDNN tương ứng theo từng vị trí việc làm

III. Kiến nghị, đề xuất

1. Về tên chức danh nghề nghiệp viên chức ngành LĐTB&XH đang áp dụng:

- Nêu tên các loại chức danh nghề nghiệp đang được áp dụng đối với viên chức của ngành; số lượng viên chức đang áp dụng CDNN đó, mô tả cụ thể chức năng, nhiệm vụ của viên chức ở CDNN đó (có trong biểu thống kê).

- Có cần ban hành mới, bổ sung hay bãi bỏ chức danh nghề nghiệp nào? Lý do? (mô tả trong biểu thống kê và phân tích lý do trong báo cáo)

[...]