Công văn 2635/BNN-TY năm 2021 về tổ chức triển khai Quyết định 434/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 2635/BNN-TY |
Ngày ban hành | 07/05/2021 |
Ngày có hiệu lực | 07/05/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Phùng Đức Tiến |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2635/BNN-TY |
Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2021 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030" (sau đây gọi tắt là Kế hoạch quốc gia), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức thực hiện những nội dung sau:
1. Căn cứ nội dung của Kế hoạch quốc gia khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch chi tiết của địa phương, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện. Kế hoạch của địa phương phải cần có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất với các nội dung của Kế hoạch quốc gia. Đề nghị gửi Kế hoạch chi tiết của địa phương đến Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Thú y) trước ngày 30/6/2020 để tổng hợp, phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện.
2. Tổ chức phổ biến, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, các quy định về nuôi, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản theo quy định.
3. Tổ chức giám sát bị động, giám sát chủ động các tác nhân gây bệnh nguy hiểm (bao gồm cả tác nhân có nguy cơ xâm nhiễm vào địa phương) tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản, vùng đệm của cơ sở/chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, vùng nuôi trọng điểm, vùng nuôi tập trung hoặc vùng nuôi ứng dụng công nghệ cao của địa phương; tổ chức giám sát, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản sử dụng làm giống theo quy định.
Yêu cầu hoạt động giám sát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục qua các năm, bảo đảm tính khoa học nhằm chủ động phát hiện sớm, xác định rõ nguyên nhân và xử lý kịp thời diện tích thủy sản bị thiệt hại, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững; đồng thời cung cấp dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của địa phương và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thủy sản.
4. Trên cơ sở hiện trạng nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh thủy sản của địa phương, tổ chức hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh; có lộ trình và trước mắt ưu tiên bố trí các nguồn lực xây dựng các cơ sở sản xuất, cung ứng động vật thủy sản sử dụng làm giống, các cơ sản xuất thủy sản xuất khẩu đạt an toàn dịch bệnh.
5. Tổ chức kiểm dịch động vật thủy sản sử dụng làm giống vận chuyển vào/ra khỏi địa bàn tỉnh, lưu thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh.
6. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh về hiện trạng nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nhằm phục vụ công tác chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản, cảnh báo dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc.
Chỉ đạo chấn chỉnh công tác thống kê số liệu, sử dụng biểu mẫu và thực hiện báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn của Cục Thú y; đặc biệt quan tâm chỉ đạo đối với các địa phương đã thành lập trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp ở cấp huyện và địa phương không bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn. Đề nghị quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh trong công tác thú y thủy sản nói chung và công tác thống kê, báo cáo dịch bệnh thủy sản nói riêng để tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành thống nhất trong toàn quốc.
7. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho đội ngũ thú y cấp tỉnh, huyện và cấp xã; tăng cường quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thủy sản theo đúng quy định. Rà soát đầu tư, tăng cường trang thiết bị, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng thử nghiệm thực hiện công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản của địa phương.
8. Tổ chức triển khai công tác truyền thông về các quy định, biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản, các yêu cầu của quốc tế và thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh.
9. Tổ chức triển khai các hoạt động có liên quan khác trên cơ sở điều kiện thực tiễn tại địa phương nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác thú y thủy sản nói chung và công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn.
10. Tổ chức thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” để bảo đảm nguồn lực triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị có văn bản thông báo cho Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý kịp thời./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |