BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2515/BNN-TCCB
Về Hướng dẫn xây dựng, thẩm định Đề án vị
trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 3 năm 2015
|
Kính
gửi: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ
Căn cứ Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của
Chính phủ Quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Thông tư số 05/2013/TT-BNV
ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP;
Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 05/5/2012 của Chính phủ Quy định về vị trí việc
làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 14/2012/TT-BNV ngày
18/12/2012 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP; Quyết
định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đẩy
mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.
Để triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng Đề án vị trí
việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của
các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng Đề án vị trí việc
làm. Bộ đã có các văn bản hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm: văn bản số
3414/BNN-TCCB ngày 19/7/2012 V/v hướng dẫn một số nội dung về quản lý biên
chế công chức hành chính nhà nước, vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công
lập và hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định
số 68/2000/NĐ-CP; văn bản số 1994/BNN-TCCB ngày 26/4/2013 về quản lý biên chế
viên chức (số lượng người làm việc) trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực
thuộc Bộ năm 2012, 2013 và kế hoạch năm 2014, văn bản số 2693/BNN-TCCB ngày
10/6/2013 V/v xây dựng đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc Bộ, trong đó chọn 8 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ để hướng dẫn thí điểm
xây dựng Đề án.
Bộ xác định việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và
cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức là nhiệm vụ lớn,
phức tạp triển khai trên diện rộng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ
chức, chất lượng công chức, viên chức, điều kiện vật chất, năng lực hoạt động của
cơ quan, đơn vị,.., đồng thời là một trong các nội dung đẩy mạnh cải cách chế độ
công vụ, công chức theo quy định tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012
của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở quy định của pháp luật và tổng kết Đề án
vị trí việc làm của 8 đơn vị được chọn làm thí điểm đợt 1, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng, thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ
cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đối với các cơ quan, đơn vị
thuộc Bộ như sau:
I. MỤC ĐÍCH:
1. Quy định cụ thể về các nguyên tắc, căn cứ,
phương pháp xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch, viên chức
theo chức danh nghề nghiệp.
2. Thống nhất về thẩm quyền, phương pháp, hình thức
xác định vị trí việc làm công chức và viên chức, phù hợp với Luật cán bộ, công
chức và Luật viên chức
3. Thay đổi nhận thức về xây dựng phương án biên chế
hàng năm, khắc phục tình trạng xin, cho trong công tác phân bổ chỉ tiêu biên chế,
xác định chính xác việc sử dụng, phân bổ nguồn nhân lực.
4. Đưa ra phương pháp thống nhất để xác định vị trí
việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch nhằm làm cơ sở và là căn cứ quan trọng
để xây dựng biên chế, bố trí, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng
công chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức.
5. Nâng cao năng lực điều hành của các cấp lãnh đạo,
quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng lĩnh vực trên cơ sở vị
trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch.
6. Thông qua việc xác định vị trí việc làm, xác định
quy trình làm việc khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, thuận tiện đáp ứng
yêu cầu cải cách hành chính.
II. YÊU CẦU:
1. Việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức,
viên chức theo ngạch phải căn cứ vào quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
cơ quan, đơn vị.
2. Việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức,
viên chức theo ngạch phải đảm bảo tính dân chủ, tránh sự áp đặt, đảm bảo tính
khả thi cao khi được phê duyệt.
3. Đảm bảo tính khách quan, toàn diện, tính lịch sử,
cụ thể, trên cơ sở nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tránh qua loa, đại khái, kê
khai lấy lệ hoặc đi quá sâu vào các tiểu tiết, đầu mục mỗi công việc.
III. TRÌNH TỰ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VỊ
TRÍ VIỆC LÀM:
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xây dựng
Đề án vị trí việc làm của đơn vị mình trình cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp
theo quy định.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cấp trên trực
tiếp có trách nhiệm thẩm định Đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị
thuộc thẩm quyền quản lý, tổng hợp, xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan,
tổ chức, đơn vị mình trình người đứng đầu ký và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực
tiếp theo quy định,
3. Vụ Tổ chức cán bộ giúp Bộ thẩm định Đề án vị trí
việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, tổng hợp, xây dựng Đề
án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ, trình Lãnh đạo Bộ
có văn bản gửi Bộ Nội vụ theo quy định.
IV. VỀ VỊ TRÍ VIỆC LÀM VÀ CƠ CẤU
NGẠCH CÔNG CHỨC
Đối tượng áp dụng là các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ,
Thanh tra Bộ, Tổng cục, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Văn phòng
Đoàn Thanh niên Bộ, Văn phòng Công đoàn cơ quan Bộ, Văn phòng Đảng ủy Bộ. Riêng
các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ thực hiện theo hướng
dẫn tại mục V văn bản này.
1. Vị trí việc làm
a) Khái niệm vị trí việc làm:
- Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh,
chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Vị trí việc làm được phân làm 3 loại như sau:
+ Vị trí việc làm do một người đảm nhận;
+ Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận;
+ Vị trí việc làm kiêm nhiệm.
b) Nguyên tắc xác định vị trí việc làm:
- Phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai,
minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn;
- Mỗi vị trí việc làm luôn gắn với một chức danh ngạch
công chức nhất định. Đối với vị trí việc làm là lãnh đạo, quản lý thì có thêm
chức danh lãnh đạo, quản lý;
- Phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý
công chức.
c) Căn cứ xác định vị trí việc làm:
- Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền ban hành;
- Tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc của cơ
quan, tổ chức, đơn vị;
- Mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi và đối
tượng phục vụ, quản lý; quy trình, thủ tục quản lý hoặc thực hiện nhiệm vụ
chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị,
phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;
- Vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số;
tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội;
tình hình an ninh - trật tự;
- Thực trạng bố trí, sử dụng đội ngũ công chức của
cơ quan, tổ chức, đơn vị.
d) Phương pháp xác định vị trí việc làm:
Phương pháp xác định vị trí việc làm trong cơ quan
hành chính thực hiện theo Điều 7 Nghị định 36/2013/NĐ-CP và
các Điều 1, 2, 3,4, 5, 6, 7, 8 Thông tư 05/2013/TT-BNV.
Cụ thể như sau:
- Việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan,
tổ chức, đơn vị được thực hiện theo phương pháp tổng hợp.
- Xác định vị trí việc làm theo phương pháp tổng hợp
là việc kết hợp giữa hoạt động phân tích tổ chức và phân tích công việc, được
thực hiện theo 8 bước sau:
Bước 1: Thống kê công việc theo chức
năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (kể cả các công việc thực hiện chế
độ hợp đồng lao động theo các quy định của pháp luật):
1. Từng cá nhân thống kê công việc được phân công
thực hiện theo Phụ lục số 1A, Thông tư số 05/2013/TT-BNV (đính kèm văn bản
này).
2. Người đứng đầu tổ chức trực thuộc cơ quan, đơn vị
(Trưởng phòng, Tổ trưởng...) tập hợp các bản tự thống kê của các cá nhân, rà
soát, thống kê thành bản thống kê công việc của tổ chức do mình đứng đầu.
3. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn
vị và thống kê công việc của các tổ chức trực thuộc, người đứng đầu cơ quan,
đơn vị rà soát, xây dựng bảng thống kê công việc của cơ quan, đơn vị.
* Yêu cầu về thống kê công việc:
- Thực hiện trình tự từ tổ chức cấp dưới lên tổ chức
cấp trên trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu các tổ chức
thuộc và trực thuộc cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thống kê công việc thuộc đơn
vị mình báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
- Bảng thống kê công việc cuối cùng của cơ quan, tổ
chức được tổng hợp theo 03 nhóm nhiệm vụ chính:
+ Công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành;
+ Công việc chuyên môn, nghiệp vụ;
+ Các công việc hỗ trợ, phục vụ;
- Chỉ thống kê những công việc có tính chất thường
xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại.
- Không thống kê những công việc có tính thời vụ, đột
xuất hoặc công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;
- Kết quả thống kê công việc của cơ quan, đơn vị được
thể hiện theo Phụ lục 01B Thông tư 05/2013/TT-BNV (đính kèm văn bản này)
Bước 2: Phân nhóm công việc
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ đạo, triển khai
việc tổng hợp và phân nhóm công việc như sau:
a) Nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành:
- Nhóm công việc của cấp trưởng cơ quan, đơn vị
- Nhóm công việc của cấp phó cơ quan, đơn vị
- Nhóm công việc của người đứng đầu tổ chức trực
thuộc
- Nhóm công việc của cấp phó tổ chức trực thuộc
…………………………….
b) Nhóm công việc chuyên môn, nghiệp vụ:
- Nhóm công việc 1
- Nhóm công việc 2
……………………………
c) Nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ:
- Nhóm công việc 1
- Nhóm công việc 2
Việc phân nhóm công việc được thực hiện theo Phụ lục
02 Thông tư 05/2013/TT-BNV (đính kèm văn bản này)
Bước 3: Xác định các yếu tố ảnh hưởng
Các yếu tố ảnh hưởng đối với các cơ quan hành chính
thuộc Bộ gồm có:
- Tính chất, đặc điểm, mức độ phức tạp và quy mô,
phạm vi, đối tượng quản lý;
- Quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và xử lý
công việc;
- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị,
phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;
- Thực trạng chất lượng, số lượng công chức của cơ
quan, tổ chức;
- Số lượng, khối lượng công việc được cấp có thẩm
quyền giao;
- Yêu cầu về hiệu quả, hiệu lực quản lý và chất lượng
công việc;
- Chế độ làm việc, cách thức tổ chức công việc của
cơ quan;
- Những yếu tố đặc thù của ngành, lĩnh vực hoạt động...
Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng được thực hiện
theo Phụ lục 03 Thông tư 05/2013/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 4: Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ
công chức hiện có
Việc thống kê đánh giá thực trạng đội ngũ công chức,
người lao động trong cơ quan, tổ chức được thực hiện theo 02 báo cáo sau:
1. Báo cáo thống kê thực trạng về số lượng và chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức, kể cả những người ký hợp đồng lao động theo
quy định của pháp luật (trong cơ quan, tổ chức hành chính, HĐLĐ theo quy định
là Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP và một số trường hợp đặc biệt khác) tại
thời điểm xây dựng đề án vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị.
2. Báo cáo đánh giá thực trạng việc phân công, bố
trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và người
lao động ở cơ quan, đơn vị. Báo cáo phải thể hiện đầy đủ hai nội dung sau:
- Đánh giá việc đáp ứng và sự phù hợp yêu cầu, nhiệm
vụ của đội ngũ công chức và người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Đánh giá sự phù hợp hay không phù hợp của việc
phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức và
người lao động theo nhiệm vụ đảm nhận.
Báo cáo thống kê thực trạng số lượng, chất lượng đội
ngũ cán bộ, công chức đến thời điểm xây dựng đề án, được thực hiện theo Biểu mẫu
số 01/BNV ban hành kèm theo Thông tư 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội
vụ (đính kèm văn bản này).
Bước 5: Xác định danh mục và phân loại các vị
trí việc làm (kể cả các công việc phải thực hiện chế độ hợp đồng lao động
theo quy định của pháp luật).
1. Trên cơ sở đánh giá, phân tích hiện trạng đội
ngũ cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị (ở bước 4) và kết hợp quá
trình phân tích tổ chức, xây dựng nhóm công việc (ở các bước 1, 2, 3); cơ quan
chủ trì xây dựng Đề án dự kiến các vị trí việc làm phù hợp với tình hình thực tế
cần có để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, xây dựng thành
danh mục các vị trí việc làm cần thiết của cơ quan, đơn vị.
Lưu ý: mỗi vị trí việc làm gắn với nội dung chuyên
môn, nghiệp vụ cụ thể, gắn với ngạch công chức và chức danh lãnh đạo, quản lý
trong cơ quan, đơn vị.
Danh mục vị trí việc làm được phân theo 03 nhóm
công việc như sau:
+ Các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo,
quản lý, điều hành;
+ Các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc chuyên
môn, nghiệp vụ, thực thi, thừa hành;
+ Các vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ,
phục vụ.
2. Việc xác định bảng danh mục vị trí việc làm được
tiến hành đồng thời với việc xác định ngạch công chức tương ứng và số lượng người
làm việc.
Xây dựng danh mục vị trí việc làm được thực hiện
theo Phụ lục 04 Thông tư 05/2013/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc của từng
vị trí việc làm
Trên cơ sở Danh mục vị trí việc làm đã được thiết lập
ở Bước 5, tiến hành xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí, bao gồm:
- Mô tả các công việc, các hoạt động và thời gian
phải thực hiện (nếu xác định được) để hoàn thành từng công việc, từng hoạt động
ở mỗi vị trí việc làm. Ví dụ: tiếp nhận hồ sơ, tài liệu; nghiên cứu; soạn thảo
văn bản; xây dựng kế hoạch, khảo sát thực tế, tổ chức cuộc họp, trao đổi ý kiến;
phối hợp;...
- Kết quả (sản phẩm) công việc của từng vị trí việc
làm;
- Điều kiện làm việc (trang thiết bị, phần mềm quản
lý, phương tiện, môi trường làm việc, quan hệ công tác.. .).
Mô tả công việc của từng vị trí việc làm thực hiện
theo Phụ lục 05 Thông tư 05/2013/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 7: Xây dựng khung năng lực của từng vị
trí việc làm
Khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây dựng
căn cứ trên cơ sở yêu cầu thực hiện công việc, được phản ánh trên bản mô tả
công việc tương ứng, gồm các năng lực và kỹ năng cần có để hoàn thành nhiệm vụ
được giao.
Khung năng lực đồng thời để đánh giá nhu cầu, từ đó
xây dựng và thực hiện các chương trình/ giáo trình đào tạo nhằm tăng cường năng
lực cho đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị.
Khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây dựng
theo Phụ lục 06 Thông tư 05/2013/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 8: Xác định ngạch công chức tương ứng với
mỗi vị trí việc làm đã được xác định.
Việc xác định ngạch công chức tương ứng với mỗi vị
trí việc làm được tiến hành gắn liền với quá trình xác định danh mục vị trí việc
làm và căn cứ vào các yếu tố sau:
- Lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ;
- Tên của vị trí việc làm;
- Bản mô tả công việc;
- Khung năng lực;
- Vị trí, quy mô, phạm vi hoạt động và đối tượng phục
vụ của cơ quan, tổ chức;
- Quy định về ngạch công chức cao nhất được sử dụng
trong cơ quan, tổ chức.
2. Cơ cấu ngạch công chức.
a) Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan, tổ chức
là tỷ lệ % (phần trăm) công chức giữ các ngạch phù hợp với Danh mục vị trí việc
làm và biên chế công chức tương ứng.
Nguyên tắc xác định cơ cấu ngạch công chức:
- Căn cứ số lượng Danh mục vị trí việc làm và chỉ
tiêu biên chế đã được xác định.
- Việc xác định chức danh ngạch công chức của mỗi vị
trí việc làm phải đảm bảo phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên ngành.
- Phải tuân thủ quy định về ngạch công chức cao nhất
được áp dụng trong từng cấp hành chính hoặc từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Căn cứ tiêu chuẩn ngạch công chức và bản mô tả
công việc, khung năng lực phù hợp của mỗi vị trí việc làm.
b) Căn cứ xác định cơ cấu ngạch công chức:
- Danh mục vị trí việc làm
- Tiêu chuẩn và chức danh ngạch công chức tương ứng
với vị trí việc làm.
c) Kết quả xác định cơ cấu ngạch công chức được thống
kê theo các nội dung sau:
- Công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc
tương đương là: ……….(= ……….% tổng số);
- Công chức giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương
đương là: ………. (= ........ % tổng số);
- Công chức giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương
là: ………… (= ……… % tổng số);
- Công chức giữ ngạch cán sự hoặc tương đương là:
……… (= ……….. % tổng số);
- Công chức giữ ngạch nhân viên hoặc tương đương
là: ……… (= ………… % tổng số);
- Chức danh khác là: ……… (= ……….. % tổng số).
* Mã số ngạch công chức chuyên ngành hành chính
thực hiện theo Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-BNV ngày
09/11/2014.
3. Bố cục Đề án vị trí việc làm trong cơ quan, tổ
chức hành chính.
a) Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp
công lập gồm 3 phần:
Phần I: Sự cần thiết và cơ sở pháp
lý.
I. Sự cần thiết xây dựng Đề án.
II. Cơ sở pháp lý.
Phần II: Xác định vị trí việc làm, biên
chế và cơ cấu ngạch công chức
I. Xác định vị trí việc làm.
II. Dự kiến biên chế
III. Xác định cơ cấu ngạch công chức.
IV. Kiến nghị đề xuất (nếu có).
Phần III: Phụ lục kèm theo Đề án.
- Văn bản thẩm định đề án của cơ quan quản lý cấp
trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức.
- Bản sao Quyết định về việc thành lập, quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức.
- Các văn bản có liên quan đến việc xây dựng Đề án.
b) Bố cục Đề án vị trí việc làm trong cơ quan, tổ
chức hành chính thực hiện theo Phụ lục số 7, Thông tư số 05/2013/TT-BNV.
V. VỀ VỊ TRÍ VIỆC LÀM TRONG ĐƠN
VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP:
(Vị trí việc làm gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc
chức vụ quản lý tương ứng)
Đối tượng áp dụng: Các đơn vị sự nghiệp công lập trực
thuộc Bộ, trực thuộc Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ.
1. Vị trí việc làm
a) Khái niệm: Vị trí việc làm là công việc
hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là
căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng,
sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Vị trí việc làm được phân loại như sau:
- Vị trí việc làm do một người đảm nhận;
- Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận;
- Vị trí việc làm kiêm nhiệm.
c) Nguyên tắc xác định và quản lý vị trí việc
làm:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý viên chức.
- Vị trí việc làm được xác định và điều chỉnh phù hợp
với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Vị trí việc làm phải gắn với chức danh nghề nghiệp,
chức vụ quản lý tương ứng
- Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh
bạch và phù hợp với thực tiễn.
d) Căn cứ xác định vị trí việc làm:
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công việc thực
tế của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tính chất, đặc điểm, nhu cầu công việc của đơn vị
sự nghiệp công lập.
- Mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi, đối
tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của luật
chuyên ngành.
- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị,
phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin.
- Thực trạng bố trí, sử dụng viên chức của đơn vị sự
nghiệp công lập.
đ) Phương pháp xác định vị trí việc làm
Phương pháp xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự
nghiệp công lập thực hiện theo Điều 5 Nghị định 41/2012/NĐ-CP
và các Điều 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Thông tư 14/2012/TT-BNV.
Cụ thể như sau:
- Việc xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự
nghiệp công lập thực hiện theo phương pháp tổng hợp.
- Xác định vị trí việc làm theo phương pháp tổng hợp
được thực hiện trên cơ sở kết hợp giữa việc phân tích công việc với thống kê,
đánh giá thực trạng đội ngũ viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập và được thực
hiện theo 8 bước sau:
Bước 1: Thống kê công việc theo chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập.
1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xác
định bảng thống kê các công việc và số lượng công việc trong đơn vị.
2. Yêu cầu về thống kê công việc
- Thống kê những công việc có tính chất thường
xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại có tính chu kỳ mà đơn vị sự
nghiệp công lập thực hiện.
- Không thống kê những công việc có tính thời vụ, đột
xuất hoặc công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thực hiện trình tự từ đơn vị cấp dưới lên đơn vị
cấp trên trong cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập. Người đứng đầu các
tổ chức thuộc và trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm thống kê
công việc thuộc đơn vị mình báo cáo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
* Đơn vị sự nghiệp công lập cũng có thể áp dụng
phương pháp thống kê công việc của từng cá nhân theo hướng xác định vị trí việc
làm trong cơ quan, tổ chức hành chính.
3. Bảng thống kê công việc trong đơn vị sự nghiệp
thực hiện theo Phụ lục số 01 Thông tư 14/2012/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 2: Phân nhóm công việc.
1. Người đứng đầu đơn vị chỉ đạo việc tổng hợp và
phân nhóm công việc như sau:
- Nhóm công việc lãnh đạo quản lý, điều hành
- Nhóm công việc hoạt động nghề nghiệp
- Nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ
2. Việc phân nhóm công việc được thực hiện theo Phụ
lục số 02 Thông tư 14/2012/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 3: Xác định các yếu tố ảnh hưởng
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định vị trí việc
làm trong đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
- Chế độ làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm
chế độ làm việc 40 giờ một tuần, chế độ làm việc 24 giờ/ 24 giờ (theo giờ hành
chính hoặc theo ca, kíp);
- Phạm vi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
được quy định trong phạm vi địa phương và phạm vi nhiều địa phương;
- Tính đa dạng về lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự
nghiệp công lập, gồm: Hoạt động trong một ngành, nghề và hoạt động trong nhiều
ngành, nghề;
- Tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của đơn
vị sự nghiệp công lập;
- Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của đơn vị sự
nghiệp công lập;
2. Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng được thực hiện
theo Phụ lục số 03 Thông tư 14/2012/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 4: Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ
viên chức, người lao động.
1. Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ viên chức,
người lao động là nội dung quan trọng trong xác định vị trí việc làm. Việc thống
kê, đánh giá phải đảm bảo chính xác, khách quan, thực hiện như sau:
a) Thống kê thực trạng về số lượng và chất lượng đội
ngũ viên chức và lao động hợp đồng (nếu có) tại thời điểm xây dựng Đề án.
b) Báo cáo đánh giá thực trạng việc đáp ứng yêu cầu
công việc, bố trí, sử dụng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ. Báo cáo
phải thể hiện đầy đủ hai nội dung sau:
- Đánh giá việc đáp ứng và sự phù hợp với yêu cầu,
nhiệm vụ của đội ngũ viên chức và người lao động ở đơn vị.
- Đánh giá sự phù hợp hay không phù hợp của việc
phân công, bố trí, sử dụng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng viên chức và
người lao động theo nhiệm vụ đang đảm nhận.
2. Việc thống kê thực trạng đội ngũ công chức, viên
chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp thực hiện theo Phụ lục số 04 Thông
tư 14/2012/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 5: Xác định bảng danh mục vị trí việc
làm cần thiết của đơn vị sự nghiệp công lập.
1. Mỗi vị trí việc làm gắn với nội dung chuyên môn,
nghiệp vụ cụ thể, gắn với chức danh nghề nghiệp, hạng chức danh nghề nghiệp và
chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Danh mục vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp
công lập bao gồm:
- Các vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo,
quản lý, điều hành;
- Các vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động
nghề nghiệp;
- Các vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục
vụ.
Việc xác định bảng danh mục vị trí việc làm được tiến
hành đồng thời với việc xác định chức danh nghề nghiệp, hạng chức danh nghề
nghiệp ứng với vị trí việc làm và số lượng người làm việc (số lượng người làm
việc được tính toán ở bước 6).
3. Xây dựng danh mục vị trí việc làm được thực hiện
theo Phụ lục số 05 Thông tư 14/2012/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc của từng
vị trí việc làm.
1. Bản mô tả công việc được xây dựng dựa vào kết quả
thực hiện bước 5 và những phân tích, đánh giá tổ chức tại bước 1, 2, 3, đồng thời
được hiệu chỉnh bởi kết quả rà soát, thống kê đã thực hiện tại bước 4.
2. Mô tả công việc từng vị trí thực hiện như sau:
- Mô tả nội dung, quy trình, thủ tục và thời gian
hoàn thành từng công việc của từng vị trí việc làm.
- Mô tả kết quả (sản phẩm), khối lượng công việc của
từng vị trí việc làm.
- Điều kiện làm việc (trang thiết bị, phần mềm quản
lý, phương tiện, môi trường làm việc,...)
3. Xác định số lượng người làm việc: Sau khi hoàn tất
bản mô tả công việc, nhu cầu về số lượng người làm việc cho mỗi vị trí việc làm
tương ứng sẽ được tính toán hoàn chỉnh ở bước này và bổ sung vào Phụ lục số 5.
4. Bản mô tả công việc của vị trí việc làm được thực
hiện theo Phụ lục số 06 Thông tư 14/2012/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 7: Xây dựng khung năng lực của từng vị
trí việc làm
1. Khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây
dựng trên cơ sở yêu cầu thực hiện công việc, được phản ánh trên bản mô tả công
việc tương ứng, gồm các năng lực và kỹ năng (năng lực tổng hợp; năng lực giải
quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế của ngành; năng lực tập hợp, quy tụ;
năng lực điều hành và phối hợp hoạt động; kỹ năng soạn thảo văn bản; viết báo
cáo, quản lý dự án...) cần có để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Khung năng lực đồng thời để đánh giá nhu cầu
năng lực, xây dựng và thực hiện các chương trình/ giáo trình đào tạo nhằm tăng
cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
3. Khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây
dựng theo Phụ lục số 07 Thông tư 14/2012/TT-BNV (đính kèm văn bản này).
Bước 8: Xác định chức danh nghề nghiệp tương ứng
với danh mục vị trí việc làm cần thiết
a) Việc xác định chức danh nghề nghiệp và hạng chức
danh nghề nghiệp ứng với vị trí việc làm và số lượng người làm việc được tiến
hành đồng thời và gắn liền với quá trình xác định danh mục vị trí việc làm và
căn cứ vào các yếu tố sau:
+ Lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ;
+ Tên của vị trí việc làm;
+ Bản mô tả công việc;
+ Khung năng lực;
+ Vị trí, quy mô, phạm vi hoạt động và đối tượng phục
vụ của đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Quy định về hạng cao nhất của chức danh nghề nghiệp
của đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Trong khi chờ Bộ ban hành hướng dẫn mới về tiêu
chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định, tạm thời áp dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ
quy định tại Quyết định số 413/TCCP-CV, 414/TCCP-CV, 417/TCCP-CV ngày 29/5/1993
của Ban Tổ chức cán bộ chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch
công chức ngành Thủy lợi, công chức hành chính, công chức ngành Nông nghiệp -
Công nghiệp thực phẩm.
c) Hạng của chức danh nghề nghiệp được xác định các
cấp độ từ cao xuống thấp (từ hạng I đến hạng IV) theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính
phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
2. Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp
a) Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp
trong đơn vị sự nghiệp công lập là tỷ lệ của số lượng viên chức theo từng chức
danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được
xác định theo các căn cứ sau:
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động
của đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định;
- Tính chất, đặc điểm, phạm vi, quy mô, mức độ phức
tạp của công việc;
- Số lượng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp
tương ứng.
c) Cơ cấu viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp
được thống kê như sau:
- Số viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I hoặc
tương đương là ……… ( = ………….% tổng số người làm việc)
- Số viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II hoặc
tương đương là ……….. ( = ………… % tổng số người làm việc)
- Số viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng III
hoặc tương đương là …………. ( = ………… % tổng số người làm việc)
- Số viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV hoặc
tương đương là ………….. ( = ………… % tổng số người làm việc)
- Chức danh khác là .......... (= ………… % tổng số
người làm việc).
3. Bố cục Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự
nghiệp công lập
a) Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp
công lập gồm 3 phần:
Phần I: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý.
I. Sự cần thiết xây dựng Đề án.
II. Cơ sở pháp lý.
Phần II: Xác định vị trí việc làm, số lượng
người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.
I. Xác định vị trí việc làm.
II. Xác định số lượng người làm việc.
III. Xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề
nghiệp.
IV. Kiến nghị đề xuất (nếu có).
Phần III: Phụ lục kèm theo Đề án.
- Văn bản thẩm định đề án của cơ quan quản lý cấp
trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Bản sao Quyết định thành lập, quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Các văn bản có liên quan đến việc xây dựng Đề án.
b) Bố cục Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự
nghiệp công lập thực hiện theo Phụ lục số 8, Thông tư số 14/2012/TT-BNV.
VI. VỀ THẨM ĐỊNH ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC
LÀM
1. Nội dung thẩm định:
a) Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định vị trí việc
làm theo quy định.
b) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc xây dựng
Đề án.
c) Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc,
khung năng lực phù hợp và cơ cấu ngạch công chức tương ứng (đối với cơ quan, tổ
chức hành chính), cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và dự kiến số lượng
người làm việc theo vị trí việc làm (đối với đơn vị sự nghiệp).
2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị
của Bộ:
a) Các Vụ, Thanh tra, Văn phòng, Văn phòng Điều phối
nông thôn mới Trung ương, Đảng ủy, Công đoàn cơ quan, Đoàn Thanh niên Bộ: Xây dựng,
tổng hợp Đề án vị trí việc làm kèm theo các phụ lục từ số 1A đến phụ lục số 8
Thông tư số 05/2013/TT-BNV trình Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ).
b) Các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ,: Xây dựng, thẩm
định Đề án vị trí việc làm gắn với cơ cấu chức danh nghề nghiệp ngạch công chức
cho khối hành chính, tổng hợp kèm theo các phụ lục từ số 1A đến phụ lục số 10
Thông tư số 05/2013/TT-BNV; Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, tổ chức thẩm định,
tổng hợp kèm theo các biểu phụ lục từ số 1 đến phụ lục số 9A, 10A, 11A Thông tư
số 14/2012/TT-BNV trình Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) theo quy định.
c) Các Viện Khoa học, Học viện Nông nghiệp Việt
Nam, Trường Đại học, Trường Cao đẳng, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp và các đơn
vị sự nghiệp khác có từ 2 cấp pháp nhân trở lên: Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp,
tổ chức thẩm định Đề án vị trí việc làm, tổng hợp kèm theo các biểu phụ lục từ
số 1 đến phụ lục số 9A, 10A, 11A Thông tư số 14/2012/TT-BNV trình Bộ (qua Vụ Tổ
chức cán bộ) theo quy định.
d) Các đơn vị sự nghiệp có 1 cấp pháp nhân: Xây dựng
Đề án vị trí việc làm, tổng hợp kèm theo biểu phụ lục từ số 1 đến phụ lục số 9A
Thông tư số 14/2012/TT-BNV trình Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) theo quy định.
3. Vụ Tổ chức cán bộ là cơ quan thường trực của Ban
chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm của Bộ giúp Bộ trưởng và Trưởng Ban chỉ
đạo thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ
chức hành chính; Đề án vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp của các
đơn vị sự nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ; tổng hợp Đề án vị trí việc làm của Bộ
trình Lãnh đạo Bộ có văn bản gửi Bộ Nội vụ phê duyệt.
VII. HỒ SƠ, THỜI HẠN GỬI ĐỀ ÁN VỊ
TRÍ VIỆC LÀM
1. Hồ sơ bao gồm:
a) Công văn đề nghị phê duyệt Đề án vị trí việc
làm.
b) Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức
(đối với cơ quan, tổ chức hành chính); Đề án vị trí việc làm và cơ cấu chức
danh nghề nghiệp viên chức (đối với đơn vị sự nghiệp).
c) Văn bản thẩm định của cơ quan, tổ chức, đơn vị
có thẩm quyền.
d) Bản sao Quyết định về việc thành lập, quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
đ) Các văn bản có liên quan đến việc xây dựng Đề
án.
2. Thời hạn gửi Đề án vị trí việc làm:
Đề án vị trí việc làm được phê duyệt ổn định từ 1-3
năm.
Chậm nhất là ngày 15/5 hàng năm, các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Bộ gửi hồ sơ Đề án vị trí việc làm về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để
thẩm định, tổng hợp gửi Bộ Nội vụ trước ngày 20/7 hàng năm theo đúng quy định. (Riêng
năm 2015, các đơn gửi hồ sơ Đề án về Bộ trước ngày 30/4/2015).
Hàng năm, khi có biến động về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc, mức độ
phức tạp, quy mô, phạm vi, đối tượng phục vụ, mức độ hiện đại hóa công sở.. thì
cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xây dựng Đề án điều chỉnh vị trí việc làm trình
cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định
36/2013/NĐ-CP (đối với cơ quan, tổ chức hành chính) và quy định tại Điều 11 Nghị định 41/2012/NĐ-CP (đối với đơn vị sự nghiệp công
lập).
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức họp cơ
quan, đơn vị quán triệt việc thực hiện Đề án vị trí việc làm trong cơ quan, đơn
vị mình, xác định Đề án vị trí việc làm là việc trọng tâm trong năm 2015 và các
năm tiếp theo để thực hiện tốt tiến độ cải cách chế độ công vụ theo quy định của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời khẩn trương chỉ đạo xây dựng, thẩm định
Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình tổng hợp trình Bộ (qua Vụ Tổ chức
cán bộ) theo quy định.
2. Vụ Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, các CPO Nông
nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi phối hợp bố trí nguồn kinh phí, vận động tài trợ từ
các Dự án đầu tư, Dự án hỗ trợ kỹ thuật do các CPO làm chủ Dự án theo quy định
của pháp luật để tạo nguồn kinh phí tổ chức hội nghị, xây dựng và thẩm định Đề
án vị trí việc làm của Bộ.
3. Vụ Tổ chức cán bộ là cơ quan thường trực xây dựng
Đề án vị trí việc làm của Bộ và Ban chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm của
Bộ, tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng Đề
án vị trí việc làm; đồng thời thẩm định, tổng hợp báo cáo Bộ ký văn bản gửi Bộ
Nội vụ theo quy định.
4. Trong quá trình xây dựng, thẩm định Đề án nếu có
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ (qua Vụ Tổ chức
cán bộ) để được hướng dẫn, giải đáp theo quy định.
Nhận được công văn này, Bộ yêu cầu Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện. Đề án vị trí việc làm của các
cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ gửi về Bộ trước ngày 30/4/2015 để kịp thời thẩm định
báo cáo Bộ trưởng và gửi Bộ Nội vụ phê duyệt./.
Nơi nhận:
- Như trên (để t/h);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Vụ: TCCB, TC, HTQT (để t/h);
- Các CPO NN, LN, TL (để t/h);
- Lưu: VT, TCCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hà Công Tuấn
Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm của Bộ
|