Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 2505/BHXH-KHĐT năm 2024 thực hiện nội dung của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP và Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 2505/BHXH-KHĐT
Ngày ban hành 25/07/2024
Ngày có hiệu lực 25/07/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đào Việt Ánh
Lĩnh vực Đầu tư

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2505/BHXH-KHĐT
V/v thực hiện một số nội dung của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2024

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
(Sau đây gọi chung là các đơn vị)

Ngày 23/6/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024 (Luật Đấu thầu năm 2023); Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định số 24/2024/NĐ-CP) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT). Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung như sau:

1. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT. Các nội dung hướng dẫn của BHXH Việt Nam trước đây trái với Luật Đấu thầu năm 2023 được bãi bỏ và thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT.

2. Về áp dụng Luật đấu thầu

a) Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2023.

b) Các đơn vị được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật đấu thầu năm 2023.

3. Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

Thực hiện theo quy định tại Chương III, Luật Đấu thầu năm 2023, Điều 14, Điều 15 Nghị định số 24/2024/NĐ-CPkhoản 1, 2 Điều 4 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, trong đó lưu ý:

a) Chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao chuẩn bị dự án căn cứ quy mô, tính chất công tác đấu thầu và đảm bảo các nội dung tại khoản 3 Điều 36 Luật Đấu thầu năm 2023 có thể trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu. Trường hợp không cần thiết hoặc không đảm bảo các nội dung tại khoản 3 Điều 36 Luật Đấu thầu năm 2023, các chủ đầu tư chỉ tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

b) Trường hợp xử lý tình huống theo quy định tại khoản 4 Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và trường hợp hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu năm 2023, không phải điều chỉnh thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

c) Về lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT: Trường hợp cần điều chỉnh một số nội dung thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt thì chỉ lập, trình, thẩm định, phê duyệt đối với các nội dung có sự thay đổi, điều chỉnh. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thay đổi về thời gian thực hiện gói thầu so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

4. Về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu: thực hiện theo quy định tại Điều 39, Điều 45 Luật Đấu thầu năm 2023Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, trong đó lưu ý:

a) Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 5 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023khoản 6 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP: Căn cứ quy mô, tính chất, tiến độ của dự án, gói thầu, người có thẩm quyền quyết định thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với mỗi gói thầu là số ngày tính từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả thời gian thẩm định. Trường hợp gói thầu có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn thì thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu tính từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể ghi rõ thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thời gian thẩm định.

b) Người có thẩm quyền, chủ đầu tư quyết định thời gian thực hiện đối với công việc gồm: phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phát hành Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá Hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất hồ sơ dự thầu; thẩm định cho từng nội dung thẩm định: kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu; hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu; phê duyệt hoặc có ý kiến xử lý về kết quả lựa chọn nhà thầu và đối với các công việc khác trên cơ sở đảm bảo tiến độ của dự án, gói thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Đấu thầu năm 2023.

5. Hình thức lựa chọn nhà thầu: thực hiện theo quy định tại mục 1 Chương II Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó lưu ý đối với hình thức Chỉ định thầu theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023

a) Các gói thầu thuộc dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công áp dụng hình thức chỉ định thầu với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.

b) Các gói thầu thuộc dự toán mua sắm, gói thầu không thuộc dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công (bao gồm cả gói thầu sửa chữa định kỳ, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa đột xuất) có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

c) Quy trình thực hiện: việc thực hiện các gói thầu được áp dụng chỉ định thầu nêu trên theo quy trình rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 78 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

d) Đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023.

Trường hợp gói thầu, nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu mà dự kiến hình thành gói thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu theo các hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, tự thực hiện, tham gia của cộng đồng, lựa chọn nhà thầu theo trường hợp đặc biệt, chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến thì các gói thầu này thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu nêu tại mục V Mẫu số 02A. Mẫu tờ trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT. Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu nêu trên thực hiện hiện theo quy định tại Điều 37, khoản 2 Điều 38, Điều 39, Điều 41 Luật Đấu thầu năm 2023, Điều 128 Nghị định số 24/2024/NĐ-CPkhoản 2 Điều 4 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT.

6. Phương thức lựa chọn nhà thầu: thực hiện theo quy định tại mục 2 Chương II Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó lưu ý: Đối với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ thuộc trường hợp Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Đấu thầu năm 2023 được áp dụng không giới hạn quy mô của các gói thầu, trừ các gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Đấu thầu năm 2023.

7. Về quy trình lựa chọn nhà thầu: Thực hiện theo mục 1 Chương IV Luật Đấu thầu năm 2023Chương II, III, IV, V Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, trong đó lưu ý:

a) Đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu năm 2023: (i) Thương thảo hợp đồng là bắt buộc đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; (ii) Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cung cấp dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế, gói thầu hỗn hợp và gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao trường hợp cần thiết bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất.

b) Đối với quy trình Chỉ định thầu thông thường: (i) Trường hợp chỉ có một nhà thầu, bên mời thầu có thể mời nhà thầu đến thương thảo theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 76 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; (ii) Trường hợp Chủ đầu tư gửi hồ sơ yêu cầu cho nhiều hơn một nhà thầu, bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất theo quy định tại khoản 5 Điều 77 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

c) Đối với quy trình mua sắm trực tiếp: thực hiện thương thảo về đề xuất của nhà thầu theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 43 Luật Đấu thầu năm 2023khoản 5 Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

d) Các trường hợp còn lại không thực hiện bước thương thảo hợp đồng trong quy trình lựa chọn nhà thầu.

8. Về hợp đồng: Thực hiện theo quy định tại mục 1 Chương VII Luật Đấu thầu năm 2023Chương VIII Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, trong đó lưu ý đối với Hợp đồng trọn gói

a) Hợp đồng trọn gói không còn quy định là loại hợp đồng cơ bản.

[...]