Quyết định 101/QĐ-TTg năm 2007 Phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 101/QĐ-TTg
Ngày ban hành 22/01/2007
Ngày có hiệu lực 14/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 101/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 101/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN SAU NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 5131/TTr-BGTVT ngày 22 tháng 8 năm 2005), của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (văn bản số 7030/UBND-ĐT ngày 01 tháng 11 năm 2005, số 72/UBND-ĐT ngày 05 tháng 01 năm 2007), của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 9688/BKH-KCH&ĐT ngày 29 tháng 12 năm 2006), của Bộ Tài chính (văn bản số 16492/BTC-ĐT ngày 26 tháng 12 năm 2006 và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng (tờ trình số 44/TTr-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2006),

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi Quy hoạch:

Bao gồm: thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu có bán kính ảnh hưởng từ 30 - 50 km.

2. Mục tiêu Quy hoạch:

Làm cơ sở để xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hoá mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 nhằm đảm bảo cho thành phố phát triển ổn định, cân bằng, bền vững và lâu dài, góp phần đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị trung tâm cấp quốc gia, là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn ở khu vực Đông Nam Á.

3. Quan điểm và nội dung Quy hoạch:

a) Quan điểm Quy hoạch:

- Giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh được lập trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị của thành phố đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch theo quan điểm “thành phố mở”, nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông liên vùng (cảng biển, sân bay), gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ nhau phát triển đồng bộ, khai thác tốt nhất thế mạnh kinh tế - xã hội tổng hợp của toàn vùng.

- Quy hoạch phát triển phải đảm bảo tính kế thừa và ổn định, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng tại các khu đô thị đã ổn định.

- Tăng quỹ đất để xây dựng hạ tầng giao thông tại các khu đô thị mới, bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh để đến năm 2020 quỹ đất đô thị (tính cho khu vực nội thành) cần đạt bình quân 16 - 20%, đến năm 2025 đạt 22 - 24%.

b) Nội dung chính của Quy hoạch:

* Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ

- Các đường hướng tâm đối ngoại

+ Cải tạo, nâng cấp các quốc lộ hướng tâm hiện tại (Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22). Riêng quốc lộ 50 đoạn từ Vành đai 2 vào khu vực nội thành được cải tạo, nâng cấp thành đường đô thị và xây dựng mới tuyến song hành.

+ Xây dựng các đường cao tốc có năng lực thông xe lớn: thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ, đường cao tốc liên vùng phía Nam thành phố Hồ Chí Minh - Nhơn Trạch.

+ Cải tạo các tỉnh lộ hiện tại để hỗ trợ các quốc lộ hướng tâm. Xây dựng mới trục Tây - Bắc, đoạn Hậu Nghĩa - Khu công nghiệp Vĩnh Lộc; xây dựng tỉnh lộ 25C nối đô thị Nhơn Trạch với Cảng hàng không quốc tế Long Thành; kéo dài đường xuống Cảng Phước An, làm cầu qua sông Thị Vải để nối tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc liên vùng phía Nam.

- Các đường vành đai

+ Xây dựng đường vành đai 1 thành đường đô thị cấp I.

+ Xây dựng khép kín đường vành đai 2 theo các điểm khống chế: Ngã ba Gò Dưa - Ngã tư Bình Phước - Ngã tư An Sương - Ngã tư Bình Thái - Đường Kha Vạn Cân - Ngã ba Gò Dưa, quy mô đường đô thị cấp I.

+ Xây dựng đường vành đai 3 theo các điểm khống chế: điểm nối vào đường cao tốc liên vùng phía Nam tại khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - khu vực Ngã ba đường Tân Vạn - đường vành đai thành phố Biên Hoà (theo quy hoạch chung thành phố Biên Hoà) - thị trấn Búng, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương - phía Bắc thị trấn Hóc Môn - đường Thanh Niên (dọc kênh An Hạ, gần nông trường Nhị Xuân, nông trường Lê Minh Xuân) - đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, nối vào điểm đầu đường cao tốc liên vùng phía Nam tại khu vực huyện Bình Chánh.

+ Xây dựng đường vành đai 4 nối các đô thị vệ tinh thành phố Hồ Chí Minh theo các hướng: phía Đông thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - phía Bắc thị xã Thủ Dầu Một - thị trấn Củ Chi - thị trấn Đức Hoà nối vào đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương tại khu vực thị trấn Bến Lức - quốc lộ 50 - cụm cảng Hiệp Phước.

- Các đường phố chính nội đô

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ