Quyết định 126/2007/QĐ-UBND quy định về quản lý thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 126/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/10/2007
Ngày có hiệu lực 30/10/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*****

Số: 126/2007/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 10 năm 2007

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26  tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 5587/SKHĐT-TTr ngày 11 tháng 09 năm 2007 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 2806/STP-VB, ngày 24 tháng 09 năm 2007
,

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý  thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Bãi bỏ Quyết định số 109/2005/QĐ-UBND, ngày 20 tháng 06 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác quản lý các dự án đầu tư trong nước; Chỉ thị số 29/2002/CT-UB, ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu và các quy định khác của Ủy ban nhân dân thành phố trái với Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Tổng Giám đốc và Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố, các chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như Điều 3
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Thành viên UBND thành phố;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- VP Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố;
- Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính;
- BQL các Khu Chế xuất và Công nghiệp;
- BQL Khu Đô thị mới Thủ Thiêm;
- BQL Khu Nam thành phố;
- BQL Khu Đô thị Tây Bắc;
- BQL Khu Công nghệ cao;
- VPHĐ-UB: các PVP; 
- Các Phòng Chuyên viên; 
- Lưu:VT, (ĐTMT-Th)  H. 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

VỀ QUẢN LÝ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 126 /2007/QĐ-UBND, ngày 20  tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về việc quản lý thực hiện đối với các dự án đầu tư phát triển không nhằm mục đích kinh doanh (kể cả các dự án xây dựng nhà ở) sử dụng vốn ngân sách nhà nước của thành phố hoặc sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng trong đó vốn ngân sách nhà nước của thành phố có tỷ lệ lớn nhất và chiếm từ 30% tổng vốn đầu tư trở lên.

Ngân sách nhà nước của thành phố bao gồm từ các nguồn thu: thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

2. Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhằm mục đích kinh doanh: thực hiện theo Luật Đầu tư; các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA: thực hiện theo quy định về quản lý dự án ODA. Các dự án, kế hoạch chi thường xuyên từ nguồn vốn ngân sách chi sự nghiệp (trừ trường hợp chi cho đầu tư phát triển theo Thông tư số 27/2007/TT-BTC, ngày 03 tháng 04 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức, thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước của thành phố.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác quản lý thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước của thành phố.

Điều 3. Chủ đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước của thành phố

Chủ đầu tư là người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình.

Việc xác định chủ đầu tư, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư thực hiện theo Luật Xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, ngày 07 tháng 02 năm 2005, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, ngày 29 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ, Thông tư số 02/2007/TT-BXD, ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ  và theo các Luật, Nghị định có liên quan.

Chương 2:

QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ

Điều 4. Quản lý đầu tư theo quy hoạch

1. Dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước của thành phố phải phù hợp quy hoạch ngành đã được phê duyệt, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phải tuân thủ các quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với dự án nhóm A không có trong quy hoạch ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối xin ý kiến các  Bộ - Ngành Trung ương (trong thời hạn tối đa là 15 ngày) để Bộ quản lý ngành xem xét, bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch; sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.

3. Các dự án nhóm B, C thuộc khu vực chưa có quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ủy ban nhân dân quận - huyện căn cứ quy hoạch chung quận - huyện để có ý kiến về chức năng sử dụng đất, cung cấp các thông tin có liên quan đến địa điểm xây dựng, quy hoạch, kiến trúc và quy mô dân số của dự án (nếu là dự án phát triển nhà ở). Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân quận - huyện có văn bản hỏi ý kiến Sở Quy hoạch - Kiến trúc về quy hoạch, kiến trúc hoặc Sở quản lý ngành về quy hoạch phát triển ngành (đối với các dự án có liên quan đến quy hoạch ngành).

Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm cung cấp các thông tin nêu trên trong thời gian không quá 07 (bảy) ngày làm việc; trong trường hợp cần phải hỏi ý kiến của các Sở thì thời gian có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của chủ đầu tư.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở quản lý ngành có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch, kiến trúc và thỏa thuận về mặt quy hoạch ngành trong thời gian không quá 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Ủy ban nhân dân quận - huyện.

4. Đối với các dự án sửa chữa, nâng cấp, nhưng không làm thay đổi chức năng, không mở rộng diện tích xây dựng, không tăng chiều cao, không vi phạm lộ giới, không thuộc diện phải di dời do gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với quy hoạch thì không phải thực hiện việc thỏa thuận về quy hoạch, kiến trúc, nhưng phải có ý kiến của Ủy ban nhân dân quận - huyện về sự phù hợp về công năng sử dụng công trình so với chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (hoặc quy hoạch chung quận - huyện) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trừ các dự án do Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định đầu tư và các dự án mà Ủy ban nhân dân quận - huyện đã thông qua trước khi chủ đầu tư trình các sở - ngành thẩm định dự án.

[...]