Công văn 2190/TCHQ-TXNK năm 2019 vướng mắc trong công tác quản lý trị giá hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 2190/TCHQ-TXNK
Ngày ban hành 16/04/2019
Ngày có hiệu lực 16/04/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Dương Thái
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2190/TCHQ-TXNK
V/v vướng mắc trong công tác quản lý trị giá hải quan

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2019

 

Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Trong quá trình triển khai thực hiện Khoản 15 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính và Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2018 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn về kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, qua theo dõi và theo phản ánh của một số doanh nghiệp và Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan hướng dẫn bổ sung một số nội dung như sau:

1. Về đối tượng thực hiện kiểm tra, tham vấn trị giá hải quan

Theo quy định hiện hành, công chức hải quan nơi làm thủ tục hải quan căn cứ kết quả phân luồng và chỉ dẫn rủi ro của Hệ thống VNACCS/VCIS để xác định các tờ khai hải quan cần phải kiểm tra, tham vấn trị giá hải quan. Tuy nhiên, trong số những tờ khai hải quan được Hệ thống chỉ dẫn kiểm tra trị giá vẫn còn trường hợp hàng hóa có thuế suất nhập khẩu 0% hoặc không có thuế, dẫn đến số lượng tờ khai hải quan phải tham vấn nhiều, không có hiệu quả, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, đối với trường hợp tờ khai hải quan được Hệ thống chỉ dẫn kiểm tra do có rủi ro về trị giá hải quan nhưng hàng hóa có thuế suất nhập khẩu là 0% hoặc không có thuế mà công chức hải quan phát hiện có nghi vấn về trị giá hải quan khai báo thì vẫn tiến hành kiểm tra thông tin khai hải quan, đánh dấu nghi vấn nhưng không tổ chức tham vấn trị giá.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phải tăng cường theo dõi, đánh giá rủi ro để kiểm tra sau thông quan tại cơ quan hải quan đối với các trường hợp này.

2. Về việc thông báo nghi vấn trị giá hải quan

Theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi Điều 25 Thông tư số 30/2015/TT-BTCtiết b.3.1 Điều 4 Quyết định 1810/QĐ-TCHQ, trường hợp cơ quan hải quan có nghi vấn về trị giá khai báo, đối với tờ khai hải quan điện tử thì công chức hải quan thông báo cho người khai hải quan bằng chỉ thị trên hệ thống; đối với tờ khai hải quan giấy thì công chức hải quan lập Thông báo mẫu 02A/TB-NVTG/TXNK để thông báo cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do thực tế có nhiều trường hợp người xuất khẩu, nhập khẩu không trực tiếp thao tác trên tờ khai hải quan điện tử mà thông qua nhân viên khai thuê, dẫn đến không nhận được chỉ thị nghi vấn trị giá và yêu cầu kiểm tra, tham vấn đối với tờ khai hải quan. Kết quả là nhiều tờ khai hải quan bị quá thời hạn tham vấn, buộc cơ quan hải quan phải ban hành quyết định ấn định trị giá hải quan, gây ra tình trạng bức xúc, khiếu nại quyết định ấn định trị giá.

Để xử lý vướng mắc trên, trường hợp cơ quan hải quan có nghi vấn về trị giá khai báo trên tờ khai hải quan điện tử, ngoài việc thông báo cho người khai hải quan bằng lệnh (nghiệp vụ IDA01/EDA01) trên Hệ thống, công chức hải quan phải lập Thông báo nghi vấn số 02A/TB-NVTG/TXNK (bằng giấy) ban hành kèm theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC và chuyển cho người làm thủ tục hải quan.

3. Về việc lập các báo cáo thực hiện công tác quản lý trị giá hải quan theo Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ

Tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ quy định: Định kỳ hàng tháng, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo về Tổng cục Hải quan công tác kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá theo mẫu số 02, số 03, số 04; thời hạn báo cáo trước ngày 5 của tháng kế tiếp.

Qua theo dõi công tác báo cáo kết quả kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì có nhiều Cục Hải quan địa phương không phát sinh số liệu nhưng vẫn phải làm báo cáo bằng giấy, dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính, lãng phí nguồn nhân lực, làm tăng khối lượng báo cáo ở các địa phương mà không có hiệu quả.

Vì vậy, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đối với trường hợp hàng tháng tại đơn vị hải quan không phát sinh số liệu kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan thì không phải gửi báo cáo kết quả bằng văn bản về Tổng cục Hải quan. Trường hợp đến ngày 5 hàng tháng, Tổng cục Hải quan không nhận được báo cáo bằng văn bản thì được hiểu là tại đơn vị không phát sinh số liệu kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan. Đơn vị tự chịu trách nhiệm về việc có phát sinh số liệu nhưng không báo cáo.

Trường hợp hàng tháng tại đơn vị có phát sinh số liệu kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi báo cáo bình thường theo quy định.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục trưởng (để báo cáo);
- Cục KTSTQ. Vụ Ttra KTra, Cục QLRR (để biết và thực hiện);
- Lưu: VT, TXNK (Hoa - 5b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái