Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn số 2180/LĐTBXH-KHTC về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 2180/LĐTBXH-KHTC
Ngày ban hành 23/06/2009
Ngày có hiệu lực 23/06/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Đàm Hữu Đắc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2180/LĐTBXH-KHTC
V/v: Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2009

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
- Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

 

Thực hiện Chỉ thị số 751/CT-TTg  ngày 03/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Bộ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch 5 năm 2011-2015 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo các nội dung sau:

A. NỘI DUNG, YÊU CẦU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH 5 NĂM 2011-2015 LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI

I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 2006-2010

1. Trên cơ sở kết quả thực hiện 3 năm, ước thực hiện kế hoạch năm 2009 và dự kiến kế hoạch 2010, đánh giá toàn diện việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 so sánh với thực hiện giai đoạn 2001-2005 và Kế hoạch 5 năm 2006-2010 đã đề ra trên tất cả các mặt; các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

- Tình hình triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ; của cấp Ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

- Đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có đánh giá tác động từ việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), các hiệp định thương mại đa phương và song phương đến các lĩnh vực của ngành đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, xuất khẩu lao động, dạy nghề, phòng chống tệ nạn xã hội …

- Đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách tạo việc làm, ổn định việc làm, bảo đảm an sinh xã hội … trong điều kiện lạm phát, suy giảm kinh tế.

- Đánh giá việc huy động và sử dụng các nguồn vốn cho sự phát triển các lĩnh vực của ngành; tình hình, tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình Quốc gia, Chương trình, dự án lớn khác do ngành quản lý.

- Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí….

2. Việc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010 phải huy động, phát huy được sự phối hợp của cả bộ máy tổ chức của các đơn vị và địa phương để bảo đảm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tổng kết.

3. Về phương pháp đánh giá thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010: để bảo đảm chất lượng công tác tổng kết đánh giá, cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển và các quy định về nội dung, phương pháp đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ban hành tại Quyết định số 555/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đánh giá khách quan, trung thực kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm; đồng thời, phải làm rõ những tồn tại, yếu kém so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; làm rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công, nguyên nhân khách quan và chủ quan; trách nhiệm từng đơn vị, từng cấp để từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn sắp tới.

II. VỀ XÂY DỰNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH 5 NĂM 2011-2015

1. Yêu cầu về xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2011-2015

Nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Những biến động của kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và đến các lĩnh vực của ngành; Kế hoạch 5 năm 2011-2015 được xây dựng trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những yếu tố không thuận, trong giai đoạn 2011-2015 nước ta cũng có nhiều thuận lợi từ việc phục hồi và phát triển kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; bên cạnh đó, việc tái cơ cấu trong nội bộ nền kinh tế nước ta cũng sẽ tạo ra những điều kiện mới cho phát triển, góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Kế hoạch 5 năm 2011-2015 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phải bảo đảm điều kiện để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 của các lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ.

- Kế hoạch đặt ra phải gắn kết với khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đồng thời, kế hoạch được xây dựng phải phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp và sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm 2011-2015, các đơn vị và địa phương cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi Chính phủ, cộng đồng dân cư, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các chuyên gia trong, ngoài nước,

2. Định hướng và nhiệm vụ chủ yếu

2.1. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa:

- Bổ sung, sửa đổi và tiếp tục hướng dẫn hệ thống pháp luật về lao động, người có công và xã hội đã ban hành; nghiên cứu xây dựng Luật Việc làm, Luật Tiền lương … phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong giai đoạn 2011-2015 và các giai đoạn tiếp theo.

- Nghiên cứu xây dựng ban hành hệ thống định mức, tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn về các lĩnh vực của ngành phù hợp với quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

- Tăng cường nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp luận cứ khoa học và tổng kết thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phù hợp cơ chế thị trường, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

2.2. Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy tốt nhất lực lượng lao động; tạo nhiều việc làm, đi đôi với nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; phấn đấu số lượng tạo việc làm trong 5 năm tới không thấp hơn 5 năm trước.

- Phát triển thị trường lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm nhanh lao động khu vực nông, lâm, ngư nghiệp; tăng nhanh lực lượng lao động có quan hệ lao động; quản lý, nắm chắc cung – cầu lao động, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; mở rộng các hoạt động giao dịch việc làm kết nối cung – cầu lao động; quản lý tốt người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đồng thuận và tuân thủ luật pháp của người lao động và người sử dụng lao động; mở rộng và phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động tham gia cải thiện điều kiện và môi trường lao động, giảm thiểu tranh chấp lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

[...]