Kính
gửi:
|
- Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương;
- Chi cục Thú y vùng I - VII;
- Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
|
Thực hiện chỉ đạo của
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đề nghị các đơn vị
chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn
châu Phi vào Việt Nam như sau:
1.
Tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi
a)
Tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên thế giới
- Bệnh Dịch tả lợn
châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921 và sau đó đã trở thành dịch
địa phương tại nhiều nước châu Phi.
- Năm 1957, lần đầu
tiên bệnh Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu và đến nay
dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, trong đó Armenia và Liên bang
Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008; bệnh cũng
đã được phát hiện tại một số nước châu Mỹ.
- Năm 2007, bệnh Dịch
tả lợn châu Phi xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia
Georgia.
- Đến
nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi là dịch địa phương ở nhiều nước trên thế giới.
- Từ cuối năm 2017 đến
nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc,
Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đô-va, Phần
Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a) báo cáo bệnh Dịch tả lợn châu
Phi.
b)
Tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc
- Theo thông tin của
Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 01/8/2018, bệnh Dịch tả lợn châu Phi lần đầu
tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tổng số lợn
bị bệnh là 47 con, bị chết là 47 con (tỷ lệ chết vì bệnh là 100%) trong tổng
đàn có nguy cơ gồm 8.792 con; tổng số lợn đã giết hủy bắt buộc là 8.745 con
(không có con lợn nào được phép giết mổ để tiêu thụ). Ngày 03/8/2018, Phòng thí
nghiệm thú y quốc gia của Trung Quốc đã lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp
Real-time PCR và giải trình tự gien và đã kết luận dương tính với vi rút Dịch tả
lợn châu Phi.
- Ngày 16/8/2018, OIE
tiếp tục thông báo ổ dịch thứ 2 bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại thành
phố Giai Mộc Tư thuộc tỉnh Hắc Long Giang làm tổng số 30 con lợn mắc bệnh, cả
30 con lợn chết (100%) trong tổng đàn có nguy cơ gồm
260 con; tổng số lợn
đã buộc phải giết hủy là 230 con.
- Đến ngày 14/8/2018,
cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra sàng lọc khẩn cấp
35,54 triệu con lợn sống trên toàn tỉnh Hắc Long Giang, đồng thời đã lấy 10.226
mẫu xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn châu Phi. Kết quả đã phát hiện được
07 mẫu dương tính trên lợn thuộc 02 làng nơi
đã xảy ra các ô Dịch tả lợn châu Phi. Do đó, toàn bộ số lợn sống tại 02 làng
này đã được giết hủy.
2.
Tóm tắt một số đặc điểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Bệnh Dịch tả lợn châu
Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - viết
tắt là ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm
lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi
lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại
nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch
tả lợn châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh lâm
sàng có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ
mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch
tả lợn châu Phi.
- Hiện nay chưa có vắc
xin và thuốc điều trị được bệnh Dịch tả lợn châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh
là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa
lây lan; Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn
và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.
Thông tin chi tiết về
bệnh Dịch tả lợn châu Phi
tại Phụ lục đính kèm.
3.
Chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn
châu Phi vào Việt Nam
Cục Thú y đề nghị chủ
động áp dụng các biện pháp phòng nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi
vào Việt Nam, cụ thể như sau:
a) Đối
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú
y, Chi cục Chăn nuôi và Thú
y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Báo cáo các cơ quan
có thẩm quyền của địa phương xem xét, chỉ đạo khẩn
trương thực hiện những nội dung sau:
- Tăng cường công tác
chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối
không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không
rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát
hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng
quy định của pháp luật; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch
động vật;
- Tăng cường theo
dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng,
bệnh tích điển hình của bệnh Dịch tả lợn
Châu Phi; hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi
đến Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung
ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây
bệnh;
- Thành lập các đoàn
công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa
khẩu và các địa bàn có nguy cơ cao;
- Tổ chức tuyên truyền
đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận
chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán lợn,
sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm
dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
b) Đối
với Chi cục Kiểm dịch động vật vùng
Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh
- Chủ động phối hợp,
hướng dẫn các Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu và đề xuất với chính quyền địa
phương các tỉnh phía Bắc chỉ đạo tăng cường việc giám sát, phát hiện và xử lý
các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp lợn và các sản
phẩm lợn vào Việt Nam;
- Theo dõi diễn biến
tình hình dịch bệnh trên lợn nói chung và nguy cơ lây lan bệnh Dịch tả lợn
châu Phi để kịp thời triển khai các giải pháp nhằm
ngăn chặn sự xâm nhiễm của bệnh này vào Việt Nam.
c) Đối
với các Chi cục Thú y
vùng l-VII
và Trung tâm Chẩn đoán thú y
Trung ương
- Khẩn trương rà soát
năng lực, xây dựng và ban hành quy trình
chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn châu Phi để thống nhất áp dụng trong phạm
vi toàn quốc; chuẩn bị các điều kiện, trang thiết bị và các nguyên vật liệu
cần thiết để thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn châu Phi;
- Hướng dẫn, phối hợp
và đôn đốc các Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh trong việc theo dõi, giám
sát và ứng phó (nếu phát hiện có sự xuất hiện) bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Cục Thú y đề nghị các
đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện và thường xuyên thông báo về Cục Thú y để
phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Thứ trưởng Vũ Văn Tám (để b/c);
- Cục trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, DT.
|
KT.
CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Đàm Xuân Thành
|
PHỤ LỤC
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
(Ban hành kèm theo Công văn số: 2053/TY-DT
ngày 30/8/2018 của Cục trưởng Cục Thú
y)
1.
Đặc điểm chung của bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Bệnh Dịch tả lợn châu
Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn
nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt
hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn
châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng
mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy
khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh
Dịch tả lợn châu Phi.
2.
Đặc điểm của vi rút Dịch tả lợn châu Phi
- Vi rút Dịch tả lợn
châu Phi là vi rút có gien di truyền dạng ADN, có vỏ bọc dạng Icoxahedral, kích
thước lớn, là Irido-vi rút và xếp vào họ Iridoviridae,
nhưng sau đó được phân loại vào chi mới chuyên biệt là chi Genus Asfi-vi rút
thuộc họ Asfarviridae. Vi rút có 1 serotype, nhưng phát hiện có tới 16
genotypes và nhiều chủng khác nhau có độc lực khác nhau.
- Vi rút Dịch tả lợn
châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và
chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang vi rút
suốt đời. Ngoài ra, ve mềm thuộc chi Ornithodoros
là một vector sinh học trong tự nhiên.
- Vi rút Dịch tả lợn
châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong
xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm
bông, salami. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các
sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được
trong thời gian dài 3-6 tháng; vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong
70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút. Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần;
trong máu khô không được 70 ngày; trong
phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu lợn ở nhiệt độ 4°C trong 18
tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39°C được 150 ngày; trong giăm bông được
140 ngày và ở nhiệt độ 50°C tồn tại trong 3 giờ.
Trong môi trường
không có huyết thanh, vi rút có thể bị phá hủy ở
pH< 3,9 hoặc ở pH > 11,5. Môi trường có huyết thanh vi rút có thể tồn tại
được ở pH = 13,4 trong 7 ngày; không có huyết thanh vi rút có thể sống được 21
giờ.
Hóa chất để diệt vi
rút Dịch tả lợn châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất
iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỷ lệ 8/1.000 hoặc formalin với tỷ lệ
3/1.000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2,3% hoặc chất
ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời
gian 30 phút.
3.
Quá trình gây bệnh và lây lan vi rút Dịch tả lợn châu Phi
- Bệnh Dịch tả lợn
châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ
từ 3-4 ngày.
- Vi rút Dịch tả lợn
châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp
hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận
chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn
nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
4.
Phân bố của bệnh Dịch tả lợn châu Phi
- Năm 1921, bệnh Dịch
tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi và sau đó đã trở
thành dịch địa phương tại nhiều nước châu Phi.
- Năm 1957, lần đầu
tiên bệnh Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu và đến nay
dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu,
trong đó có Armenia Liên bang Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và
Azerbaijan vào năm 2008; bệnh cũng như đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ.
- Năm 2007, bệnh Dịch
tả lợn châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại
quốc gia Georgia.
- Đến nay, bệnh Dịch
tả lợn châu Phi trở thành dịch địa phương ở nhiều nước trên thế giới.
- Từ cuối năm 2017 đến
nay, 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, Ba Lan, CH Séc,
Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đô-va, Phần Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, Ukraina và
Zambia) báo cáo có Dịch tả lợn châu Phi.
Bản
đồ thể hiện phân bố của bệnh Dịch tả lợn châu Phi hiện nay (cập nhật vào ngày
18/8/2018).
5.
Triệu chứng, bệnh tích của bệnh Dịch tả lợn châu Phi
a)
Chẩn đoán lâm sàng
- Lợn bị nhiễm Dịch tả
lợn châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh
Dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán Dịch tả
lợn châu Phi khó có thể thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm
sàng; cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét
nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn châu Phi.
- Thể quá cấp tính
(Peracute) là do vi rút có độc lực cao, lợn sẽ chết
nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
- Thể cấp tính
(Acute) là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5- 42°C). Trong 2-3
ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ
rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng
râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng,
lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng
chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai,
đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím.
Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết,
có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp,
khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu
hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và
máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở
mọi giai đoạn. Tỷ lệ tử chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút
thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng
chúng sẽ là vật chủ mang vi rút Dịch tả lợn châu Phi trong suốt cuộc đời.
- Thể á cấp tính
(Subacute) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình. Chủ yếu
được tìm thấy ở châu Âu,
lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn
sốt nhẹ hoặc sốt
lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi
nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận
động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy
tim) thì lợn có thể chết, lợn mang thai sẽ sẩy
thai, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỷ lệ chết
khoảng 30-70 %. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.
- Thể mãn tính
(Chronic form) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp, chủ yếu được
tìm thấy ở Angola và châu Âu. Lợn có nhiều triệu
chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp,
hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính
sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài
2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh
sẽ trở thành dạng mãn tính.
b) Bệnh
tích
- Thể cấp tính: Xuất
huyết nhiều ở các hạch lympho ở dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm,
lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất
huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng, có các
điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và
bề mặt các cơ quan bên trong; phù nề trong cấu trúc hạch lâm ba của đại tràng
và phần tiếp giáp với túi mật, túi mật sưng.
- Thể mãn tính: Có thể
gặp sơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.
6.
Chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn châu Phi
a)
Chẩn đoán phân biệt
- Dịch tả lợn châu
Phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu
dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải
lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để
xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.
- Các bệnh khác cần
được chẩn đoán phân biệt với bệnh Dịch tả lợn châu Phi bao gồm các bệnh: Bệnh
tai xanh (PRRS), đặc biệt là thể cấp tính, bệnh Đóng dấu
lợn, bệnh Phó thương hàn, bệnh Tụ huyết trùng, bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus
suis, bệnh Glasser, bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma gây ra, Hội
chứng viêm da sưng thận do PCV2, bệnh giả dại ở lợn choai và bị ngộ độc muối.
b) Lấy
mẫu xét nghiệm
- Lấy mẫu máu lợn
đang sốt trong giai đoạn đầu, máu được chống đông bằng bổ sung EDTA 0,5% hoặc
Heparin.
- Lách, các hạch bạch
huyết, hạch amidan bảo quản ở nhiệt độ 4°C.
- Huyết thanh từ động
vật khỏi bệnh, lấy mẫu trong vòng 8-21 ngày sau khi lợn nhiễm bệnh.
c)
Xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh Dịch tả lợn châu Phi
- Sử dụng tế bào
monocytes sơ cấp của lợn hoặc tế bào tủy xương, phần lớn vi rút Dịch tả lợn
châu Phi phân lập được sẽ sinh ra Haemadsorption.
- Phát hiện kháng
nguyên bằng phương pháp Fluorescent antibody test (FAT) kết quả dương tính của
FAT cùng với các triệu chứng và các tổn
thương có thể sơ bộ xác định bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
- Phương pháp PCR: Là
kỹ thuật cần thiết đối với việc xét nghiệm các mẫu
lợn nghi bị nhiễm vi rút Dịch tả lợn châu Phi.
- Tiêm động vật thí
nghiệm: Hiện không được khuyến cáo sử dụng phương pháp này vì nguy cơ lây lan bệnh
cao.
- Kiểm tra huyết
thanh bệnh Dịch tả lợn châu Phi bằng kỹ thuật ELISA (Enzyme - linked
immunosorbent assay) hoặc IFA (Indirect fluorescent antibody (IFA).
7.
Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Hiện nay chưa có vắc
xin và thuốc điều trị được Dịch tả lợn châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là
chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở
phạm vi nhỏ và chưa lây lan; Kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển
lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và
đang áp dụng./.