Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 1943/TCTHADS-NV2 năm 2013 hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án hành chính do Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành

Số hiệu 1943/TCTHADS-NV2
Ngày ban hành 31/07/2013
Ngày có hiệu lực 31/07/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thi hành án dân sự
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN
DÂN SỰ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1943/TCTHADS-NV2
V/v hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án hành chính

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2013

 

Kính gửi: Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 24/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011; tại Chương XVI (từ Điều 241 đến Điều 248) quy định về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (viết tắt là bản án, quyết định hành chính). Để thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính, trong khi chưa xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn trình tự, thủ tục đôn đốc thi hành án hành chính và thu thập, phân tích, đánh giá số liệu xét xử, thi hành án phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính như sau:

I. Trình tự, thủ tục đôn đốc thi hành án hành chính

1. Các bản án, quyết định hành chính được đề nghị đôn đốc thi hành

Người phải thi hành bản án, quyết định hành chính có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật và thông báo bằng văn bản về kết quả thi hành án cho cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó biết.

Trường hợp người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án bằng văn bản đối với người phải thi hành án. Nếu người được thi hành án đã có văn bản đề nghị nhưng người phải thi hành án không thi hành án thì có quyền làm đơn đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Cơ quan Thi hành án dân sự thụ lý, đôn đốc thi hành án đối với bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật sau:

- Bản án, quyết định hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

- Bản án, quyết định hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- Bản án, quyết định tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật;

- Bản án, quyết định tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật.

2. Thời hiệu đề nghị đôn đốc thi hành bản án, quyết định hành chính

Thời hiệu đề nghị đôn đốc thi hành án theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể gửi đơn đề nghị đôn đốc thi hành án đúng hạn theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đề nghị Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền đôn đốc thi hành án xem xét. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc xảy ra trở ngại khách quan nên không thể đề nghị đôn đốc thi hành án đúng hạn không tính vào thời hiệu đề nghị đôn đốc thi hành án.

3. Thủ tục đôn đốc thi hành án hành chính

3.1. Đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính

Đơn đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính phải có các nội dung chính sau đây:

- Họ, tên, địa chỉ của người đề nghị đôn đốc thi hành án;

- Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi đề nghị đôn đốc;

- Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án;

- Nội dung đề nghị đôn đốc thi hành án;

- Số, ngày, tháng năm của bản án, quyết định hành chính của Tòa án; tóm tắt nội dung bản án, quyết định đề nghị đôn đốc thi hành án;

Người làm đơn đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ tên, chữ ký hoặc điểm chỉ của người đề nghị; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.

Trường hợp người đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính trực tiếp trình bày tại cơ quan Thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ họ tên, địa chỉ của người đề nghị đôn đốc thi hành án; nội dung đề nghị đôn đốc thi hành án. Biên bản có họ tên, chữ ký hoặc điểm chỉ của người đề nghị đôn đốc, họ tên, chức vụ, chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn đề nghị đôn đốc thi hành án.

Kèm theo đơn đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính hoặc biên bản đề nghị đôn đốc, người đề nghị đôn đốc phải nộp bản sao bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh đã có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ nhưng người phải thi hành án cố tình không thi hành án.

3.2. Thủ tục đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính

Người được thi hành án hành chính tự mình hoặc ủy quyền cho người khác nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan Thi hành án dân sự hoặc gửi qua đường bưu điện. Trường hợp ủy quyền phải có giấy ủy quyền và chứng minh nhân dân của người được ủy quyền.

Ngày gửi đơn đề nghị đôn đốc thi hành án được tính là ngày người đề nghị đôn đốc thi hành án nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan Thi hành án dân sự hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

[...]