Công văn 1901/LĐTBXH-PC năm 2016 triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 1901/LĐTBXH-PC |
Ngày ban hành | 31/05/2016 |
Ngày có hiệu lực | 31/05/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Phạm Minh Huân |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước |
BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1901/LĐTBXH-PC |
Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2016 |
Kính gửi: Các đơn vị thuộc Bộ
Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ yêu cầu các đơn vị trong phạm vi chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết, cụ thể:
1. Về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp:
- Tổng cục Dạy nghề, Cục An toàn lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Cục Việc làm, Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ về tập hợp, rà soát các Điều kiện đầu tư, kinh doanh và ban hành văn bản quy định Điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư theo chỉ đạo của Bộ tại Công văn số 1686/LĐTBXH-PC ngày 17/5/2016.
- Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch của Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan thuộc Bộ triển khai thực hiện Kế hoạch sau khi được phê duyệt; tổng hợp, định kỳ báo cáo Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện theo yêu cầu; sắp xếp, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện Kế hoạch.
- Tổng cục Dạy nghề, Cục Việc làm, Vụ Bảo hiểm xã hội và các đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ được giao tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP:
+ Tổng cục Dạy nghề chủ trì hoàn thiện các thủ tục và Điều kiện thành lập, hoạt động đối với các tổ chức đào tạo nghề ngoài công lập; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các thủ tục, Điều kiện không phù hợp; khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân trong nước, nước ngoài và các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề; đổi mới cơ chế, chính sách đào tạo nghề theo hướng mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính, tự chủ về chương trình, nội dung và sản phẩm dịch vụ và cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo theo cơ chế thị trường.
+ Cục Việc làm chủ trì cải cách các quy định về thị trường lao động và nâng cao hiệu quả thị trường lao động, bảo đảm tính thống nhất và linh hoạt của thị trường lao động. Tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động.
+ Vụ Bảo hiểm xã hội chủ trì sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa các quy trình, quy định, thủ tục thu, chi trả bảo hiểm xã hội.
- Trung tâm Thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử (ban hành tại Quyết định số 1890/QĐ-LĐTBXH ngày 24/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); mở một chuyên Mục về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Công khai quy trình, thủ tục, Điều kiện kinh doanh, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
2. Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp:
- Tổng cục Dạy nghề chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các thủ tục đầu tư quy định tại Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết một số Điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, trình Chính phủ trong quý IV năm 2016; đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao.
- Cục Việc làm chủ trì rà soát, sửa đổi các quy định về lao động là người nước ngoài phù hợp thị trường và quyền của doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục liên quan.
3. Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp:
- Vụ Lao động - Tiền lương chủ trì rà soát, Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
- Vụ Bảo hiểm xã hội chủ trì rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp.
Các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiến hành rà soát, tập hợp các vướng mắc của doanh nghiệp về quy định của pháp luật và việc tổ chức thực hiện liên quan đến các nội dung đã nêu trong Nghị quyết (đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động nước ngoài, tiền lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội,...); Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ nêu trên (với nội dung, giải pháp, tiến độ cụ thể), báo cáo Bộ (qua Vụ Pháp chế) thời hạn trước ngày 07/6/2016 để tổng hợp./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |