Công văn 188/BNN-TCLN về trả lời kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên về chính sách phát triển rừng sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 188/BNN-TCLN
Ngày ban hành 15/01/2013
Ngày có hiệu lực 15/01/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/BNN-TCLN
V/v trả lời kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên về chính sách phát triển rừng sản xuất

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2013

 

Kính gửi:

- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên.

 

Thực hiện Văn bản số 4421-CV/VPTW ngày 07/11/2012 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc thông báo ý kiến của đồng chí Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đối với các Bộ, ngành Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

1. Hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà nước để trồng rừng sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguyên tắc ủng hộ tỉnh Tuyên Quang vay vốn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư vào phát triển rừng nói chung và trồng rừng sản xuất nói riêng. Trong thời gian vừa qua Nhà nước đã có các chính sách ưu đãi trong vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển rừng, cụ thể tại các văn bản:

- Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của Chính phủ và Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày 09/4/2009 về Quy định chi tiết về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;

- Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau cho mục tiêu phát triển và bảo vệ rừng.

- Công văn số 416/TTg-KTTH ngày 11/3/2010 về việc các dự án trồng rừng sản xuất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên về quản lý và điều tiết nguồn vốn này thuộc phạm vi của các ngân hàng và tổ chức tài chính, vì vậy tỉnh chỉ đạo các đơn vị có nhu cầu vay vốn tiếp cận với các ngân hàng và tổ chức tài chính để có hướng dẫn cụ thể.

2. Về việc đề xuất huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Đề xuất này đã được thông qua tại Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 29/12/2012 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2012.

3. Mức chi cho cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ phát triển rừng sản xuất đã được nêu tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC ngày 05/6/2012 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 147/2007/QĐ-TTg và Quyết định 66/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015, cụ thể: chi phí hỗ trợ một lần giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoán đất trồng rừng với đơn giá 300.000đ/ha; hỗ trợ đầu tư trồng rừng với từ 2,25 triệu đồng/ha - 7,5 triệu đồng/ha tùy thuộc vào từng khu vực và loài cây trồng, mức hỗ trợ này đảm bảo cho người trồng rừng được cung cấp giống tốt đã được công nhận đề trồng rừng nhắm tăng năng suất, chất lượng của rừng trồng. Về chính sách đặc thù kéo dài thời gian cho vay với lãi suất ưu đãi đối với sản xuất lâm nghiệp theo chu kỳ sản xuất đã được quy định tại Công văn số 416/TTg-KTTH ngày 11/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc các dự án trồng rừng sản xuất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Trên đây là một số nội dung báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các kiến nghị của hai tỉnh Tuyên Quang và Điện Biên./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ