Công văn 16855/BTC-TCT năm 2014 hướng dẫn thủ tục miễn thuế đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN+3 (CGIF) do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 16855/BTC-TCT
Ngày ban hành 18/11/2014
Ngày có hiệu lực 18/11/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Hồng Hải
Lĩnh vực Đầu tư,Tiền tệ - Ngân hàng,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16855 /BTC-TCT
V/v hướng dẫn thủ tục miễn thuế đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN+3 (CGIF).

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi:

- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN+3 (CGIF).

Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN+3 (CGIF) đề nghị hướng dẫn về cơ chế miễn thuế đối với các hoạt động và giao dịch của CGIF. Đối với vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Căn cứ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại công văn số 5088/VPCP-KTTH ngày 08/7/2014 Văn phòng Chính phủ: “Về vấn đề miễn thuế của CGIF áp dụng theo quy định tại Hiệp định thành lập CGIF và Hiệp định thành lập ADB. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Căn cứ quy định tại Điều 56 (Miễn thuế), Hiệp định thành lập Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB):

 “1. Ngân hàng, các tài sản, bất động sản, thu nhập và các hoạt động, giao dịch của Ngân hàng sẽ được miễn tất cả các loại thuế và thuế quan. Ngân hàng cũng được miễn các nghĩa vụ về thanh toán, khấu trừ hoặc thu bất kỳ loại thuế hay thuế quan nào.

2. Tiền lương và tiền công mà Ngân hàng trả cho các Giám đốc, những người thay thế họ, các cán bộ và nhân viên của Ngân hàng, kể cả các chuyên gia đang thực hiện các nhiệm vụ của Ngân hàng, sẽ không phải chịu thuế, trừ những nơi mà thành viên đưa vào trong văn kiện phê chuẩn hoặc chấp thuận của họ một tuyên bố là thành viên đó bảo lưu cho mình hoặc cho các cơ quan chính trị trực thuộc của mình quyền đánh thuế vào tiền lương và tiền công mà Ngân hàng trả cho các công dân hoặc người dân của nước thành viên đó.

3. Mọi nghĩa vụ hoặc chứng khoán do Ngân hàng phát hành, bao gồm tiền lãi cổ phần hoặc lãi phát sinh từ chúng dù ai là người nắm giữ, đều không phải chịu bất cứ loại thuế nào nếu như:

(i) thuế đó phân biệt đối xử một cách bất lợi đối với các nghĩa vụ hoặc chứng khoán này chỉ vì lý do chúng đã được phát hành bởi Ngân hàng; hoặc

(ii) cơ sở pháp lý duy nhất cho việc thu thuế đó là địa điểm hoặc đồng tiền làm cơ sở để các nghĩa vụ hoặc chứng khoán đó được phát hành, phải thanh toán hoặc đã được thanh toán, hoặc là địa điểm đóng bất cứ văn phòng nào hay địa điểm hoạt động của Ngân hàng.

4. Mọi nghĩa vụ hoặc chứng khoán được Ngân hàng bảo lãnh, kể cả tiền lãi cổ phần hoặc lãi phát sinh từ chúng, dù ai là người nắm giữ, đều không phải chịu bất cứ loại thuế nào nếu như:

(i) thuế đó phân biệt đối xử một cách bất lợi đối với các nghĩa vụ hoặc chứng khoán này chỉ vì lý do chúng đã được Ngân hàng bảo lãnh; hoặc

(ii) cơ sở pháp lý duy nhất cho việc thu thuế trên là địa điểm đóng bất cứ văn phòng nào hay địa điểm hoạt động của Ngân hàng.

Căn cứ quy định tại Khoản 13.2 (Đặc quyền và Miễn giảm), Cơ chế bảo lãnh và tín dụng đầu tư:

 “Các đặc quyền, miễn trừ và miễn thuế dành cho ADB tuân theo Thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển Châu Á sẽ áp dụng đối với (i) bên nhận tín thác, và (ii) bất động sản, tài sản, hồ sơ tài liệu, thu nhập, các hoạt động và giao dịch của CGIF. Đặc quyền và các miễn giảm được chấp nhận với các chuyên gia làm việc cho ADB theo Thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển Châu Á sẽ áp dụng với tất cả đội ngũ quản lý và các chuyên gia của CGIF do Tổ chức tín thác chỉ định. Trong Điều khoản của Hiệp định này không có trường hợp nào từ bỏ các đặc quyền ưu đãi và miễn giảm.

Căn cứ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 7677/NHNN-HTQT ngày 20/10/2014.

Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

1. Nghĩa vụ thuế của CGIF:

CGIF, các tài sản, bất động sản, thu nhập và các hoạt động, giao dịch của CGIF được miễn tất cả các loại thuế và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Đề nghị các Cục Thuế, Cục Hải quan không yêu cầu CGIF đăng ký kê khai, nộp các loại thuế tại Việt Nam; không yêu cầu các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thực hiện giao dịch với CGIF khấu trừ thuế nhà thầu đối với các khoản thanh toán cho CGIF.

2. Nghĩa vụ khấu trừ thuế đối với các khoản thanh toán do CGIF chi trả:

CGIF được miễn các nghĩa vụ về thanh toán, khấu trừ hoặc thu bất kỳ loại thuế hay thuế quan nào phát sinh từ các khoản thanh toán của CGIF cho các tổ chức/cá nhân Việt Nam.

Đề nghị các Cục Thuế không yêu cầu CGIF kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay các tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận được các khoản thanh toán từ CGIF. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam không phải là nhân viên của CGIF nhận được các khoản thanh toán từ CGIF có nghĩa vụ tự kê khai, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Đối với các nhân viên của CGIF:

Tiền lương và tiền công mà CGIF trả cho các Giám đốc, các cán bộ và nhân viên của CGIF, kể cả các chuyên gia đang thực hiện các nhiệm vụ của CGIF, không có quốc tịch Việt Nam, sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại Việt Nam.

Giám đốc, cán bộ, nhân viên và chuyên gia của CGIF nêu tại khoản trên không có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế TNCN tại Việt Nam đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công do CGIF chi trả. Đề nghị các Cục Thuế không yêu cầu CGIF kê khai, khấu trừ, nộp thuế TNCN tại Việt Nam đối với khoản thu nhập được miễn thuế nêu trên.

Trường hợp các cá nhân được miễn thuế TNCN nêu trên có phát sinh các khoản thu nhập khác tại Việt Nam, các cá nhân có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế TNCN tại Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Đối với các nhân viên của CGIF là người có quốc tịch Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn riêng sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước về việc này.

Bộ Tài chính thông báo để các Cục Thuế, Cục Hải quan biết và thực hiện./.

[...]