Công văn 1649/TCT-CS năm 2022 về giá tính thuế tài nguyên do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 1649/TCT-CS
Ngày ban hành 18/05/2022
Ngày có hiệu lực 18/05/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Hoàng Thị Hà Giang
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1649/TCT-CS
V/v giá tính thuế tài nguyên.

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bình Dương.

Trả lời Công văn số 3457/CTBDU-TTKT5 ngày 08/3/2022 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương về xác định giá tính thuế tài nguyên đối với đá khai thác chế biến thành đá làm vật Liệu xây dựng thông thường, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế quy định:

“4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá tính thuế tài nguyên khai thác quy định tại Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này. Trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì giá tính thuế tài nguyên khai thác được xác định căn cứ vào trị giá hải quan của sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến xuất khẩu hoặc giá bán sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và các chi phí có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu xuất khẩu hoặc từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bản tại thị trường trong nước.

Căn cứ giá tính thuế tài nguyên đã xác định để áp dụng sản lượng tính thuế đối với đơn vị tài nguyên tương ứng. Giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác được xác định ở khâu nào thì sản lượng tính thuế tài nguyên áp dụng tại khâu đó.”

- Tại khoản 1, khoản 3 Điều 5, khoản 1 Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên quy định:

“1. Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế.

Trường hợp tài nguyên khai thác thu được sản phẩm tài nguyên có nhiều cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo sản lượng từng loại tài nguyên có cùng cấp độ, chất lượng, giá trị thương mại như nhau hoặc quy ra sản lượng của loại tài nguyên có sản lượng bán ra lớn nhất để làm căn cứ xác định sản lượng tính thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong kỳ.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A khai thác đá sau nổ mìn, khai thác thu được đá hộc, đá dăm các ly khác nhau thì được phân loại theo từng cấp độ, chất lượng từng loại đá thu được để xác định sản lượng đá tính thuế của mỗi loại. Trường hợp, doanh nghiệp A có bán một phần sản lượng đá hộc, số đá hộc, đá dăm còn lại được đưa vào đập, nghiền thành các loại đá dăm có các cỡ (ly) khác nhau thì sản lượng tính thuế được xác định bằng cách quy từ sản lượng đá các cỡ (ly) ra sản lượng đá có sản lượng bản ra lớn nhất để xác định sản lượng đá thực tế khai thác để tính thuế tài nguyên. Doanh nghiệp A thực hiện khai, nộp thuế đối với sản lượng đá khai thác theo giá bán tương ứng.

... 3. Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định như sau:

Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên khai thác được xác định bằng cách quy đổi từ sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ để bán ra theo định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do người nộp thuế kê khai căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn công nghệ thiết kế để sản xuất sản phẩm đang ứng dụng, trong đó:

- Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm tài nguyên thì căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm tài nguyên sản xuất bán ra.

- Trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm công nghiệp thì căn định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm công nghiệp sản xuất bán ra.

Việc xác định sản phẩm bán ra sau quá trình chế biến là sản phẩm công nghiệp hay không phải sản phẩm công nghiệp do Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo thẩm quyền.”

... “Điều 6. Giá tính thuế tài nguyên

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; Trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định.

1. Đối với loại tài nguyên xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên: Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên có cùng phẩm cấp, chất lượng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được áp dụng cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng; Giá bán của một đơn vị tài nguyên được tính bằng tổng doanh thu (chưa có thuế GTGT) của loại tài nguyên bán ra chia cho tổng sản lượng tài nguyên tương ứng bán ra trong tháng…”

Căn cứ các quy định nêu trên, ngày 21/12/2020 Tổng cục Thuế có công văn số 5423/TCT-CS trả lời công văn số 11175/CT-TTKT5 ngày 21/5/2020 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương, công văn số 4629/TCT-CS ngày 22/11/2018 trả lời Công ty cổ phần Xây dựng Bình Dương, trong đó đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Dương phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để xác định giá tính thuế tài nguyên đối với sản phẩm đá khai thác đưa vào xay nghiền thành đá các ly mới bán ra theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Về văn bản số 8526/BKHĐT-KTCN ngày 06/12/2021 ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận: “... doanh nghiệp có sản phẩm thuộc 2 hoạt động sản xuất công nghiệp:

1. Sản phẩm đá hộc thuộc ngành Khai khoáng (B);

2. Sản phẩm đá dăm thuộc ngành Chế biến (C)

Trong trường hợp hoạt động sản xuất đá hộc và đá dăm diễn ra tại mỏ thì xếp chung vào sản phẩm ngành Khai khoáng.”; Theo đó, văn bản này chỉ xác nhận ngành nghề hoạt động, không phải là xác nhận của Bộ chuyên ngành về loại sản phẩm đá hộc, đá dăm có phải là sản phẩm công nghiệp hay không.

Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Dương căn cứ các quy định của pháp luật liên quan và hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp để phối hợp các cơ quan chức năng xác định giá tính thuế tài nguyên đối với đá khai thác đưa vào chế biến thành đá các ly mới bán ra theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Bình Dương được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách (để báo cáo);
- Vụ CST, PC (BTC);
- Vụ PC-TCT;
- Lưu: VT, CS.

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Hoàng Thị Hà Giang

 

[...]