Công văn 1646/BVTV hướng dẫn Quyết định 89/2006/QĐ-BNN quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật do Cục Bảo vệ thực vật ban hành

Số hiệu 1646/BVTV
Ngày ban hành 20/12/2006
Ngày có hiệu lực 20/12/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Bảo vệ thực vật
Người ký Nguyễn Quang Minh
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1646BVTV
V/v hướng dẫn thi hành Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2006

 

Kính gửi: Các đơn vị quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Ngày 02/10/2006, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ký Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ban hành quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật thay thế Quyết định 145/2002/QĐ-BNN ngày 18/12/2002 quy định về thủ tục đăng ký; sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói; xuất khẩu, nhập khẩu; buôn bán; bảo quản, vận chuyển; sử dụng; tiêu hủy; nhãn thuốc; bao bì, đóng gói; hội thảo, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật.

Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn thêm một số nội dung liên quan như sau:

1. Về thủ tục đăng ký.

a. Nhà sản xuất ra nguyên liệu hoặc hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.

Sau khi thuốc được đăng ký, tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký được quyền thay đổi nhà sản xuất đã ủy quyền đăng ký để chọn nhà ủy quyền khác cho phù hợp. Hồ sơ xin chuyển đổi gửi cho Cục Bảo vệ thực vật bao gồm:

- Tờ trình về lý do xin thay đổi nhà sản xuất;

- Các giấy tờ liên quan đến nhà sản xuất mới: giấy ủy quyền, giấy xác nhận là nhà sản xuất ra nguyên liệu hoặc hoạt chất;

- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký loại thuốc đó do Cục Bảo vệ thực vật cấp;

- Nộp lệ phí cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mới theo quy định hiện hành.

b. Chuyển nhượng tên thuốc đã đăng ký: tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký được quyền chuyển nhượng quyền sở hữu tên sản phẩm của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Sau khi chuyển nhượng, cả hai tổ chức, cá nhân chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng không được đứng tên đăng ký tên thương phẩm khác của cùng loại hoạt chất đã chuyển nhượng.

Đơn vị chuyển nhượng có hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật bao gồm:

- Tờ trình về lý do, phạm vi chuyển nhượng;

- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký thuốc do Cục Bảo vệ thực vật cấp;

- Nộp lệ phí theo quy định hiện hành.

c. Thuốc có nguồn gốc hóa học xin đăng ký cho rau, chè và cây ăn quả.

- Các loại thuốc trừ cỏ có nguồn gốc hóa học xin đăng ký sử dụng cho cây chè, cây ăn quả nếu đủ các Điều kiện: không thuộc nhóm chlor hữu cơ, có độ độc cấp tính của hoạt chất từ nhóm III, nhóm IV thì không phải thí nghiệm xác định thời gian cách ly ở Việt Nam.

- Các loại thuốc có nguồn gốc hóa học xin đăng ký sử dụng trên cây ăn quả vào thời kỳ trước khi đậu quả nếu đủ các Điều kiện kể trên thì không phải thí nghiệm xác định thời gian cách ly ở Việt Nam.

- Các loại thuốc có nguồn gốc hóa học khác, xin đăng ký sử dụng cho cây rau, cây chè, cây ăn quả đều phải thí nghiệm xác định thời gian cách ly ở Việt Nam.

d. Đăng ký đặc cách.

- Các loại thuốc có nguồn gốc sinh học được làm thủ tục đăng ký đặc cách nếu đủ Điều kiện quy định tại Mục b, Khoản 3, Điều 6 Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và kết quả thí nghiệm, khảo nghiệm hiệu lực sinh học ở Việt Nam được Tổ đánh giá kết quả khảo nghiệm để đăng ký tại Việt Nam đánh giá, nếu không thành lập được Hội đồng khoa học cấp Sở hoặc tương đương đánh giá theo quy định.

- Các loại thuốc sinh học xin đăng ký đặc cách không được phối trộn dưới bất kỳ hình thức, tỷ lệ nào với bất kỳ loại thuốc hóa học nào.

e. Các loại thuốc không được đăng ký sử dụng ở Việt Nam

Các loại thuốc không được đăng ký sử dụng ở Việt Nam theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 5, Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Quyết định 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và các loại thuốc trong Phụ lục V, ban hành kèm theo Thông tư XXIII, tháng 6/2006 (từ trang 316 đến trang 333) của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) - Chương trình Môi trường của Liên hợp Quốc (UNEP).

2. Sản xuất, gia công thuốc bảo vệ thực vật.

Người trực tiếp Điều hành sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật (kể cả người nước ngoài) phải có chứng chỉ hành nghề do Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp theo quy định tại Quyết định 91/2002/QĐ-BNN ngày 11/10/2002 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

3. Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật nhằm Mục đích thương mại.

Các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có đăng ký kinh doanh được nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh Mục được phép sử dụng, hạn chế sử dụng do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành hàng năm và ban hành bổ sung từng thời kỳ. Các loại thuốc được nhập khẩu phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật của thuốc đã đăng ký tại Việt Nam.

[...]