TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
*******
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 152/2003/TCCB
V/v hướng dẫn tuyển dụng, xét tuyển dụng và
xét chuyển ngạch công chức ngành tòa án nhân dân
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2003
|
Kính
gửi: Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện các quy định của Nhà nước
về việc tuyển dụng, xét tuyển dụng và xét chuyển ngạch công chức, Tòa án nhân
dân tối cao tạm thời hướng dẫn việc tuyển dụng, xét tuyển dụng và xét chuyển ngạch
công chức Tòa án nhân dân như sau:
Ngoài việc thực hiện đúng các quy định
tại Pháp lệnh cán bộ công chức; Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của
Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Thông tư số
04/1999/TT-TCCP ngày 20/3/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực
hiện Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử
dụng và quản lý công chức; Công văn số 197/BNV-CCVC ngày 12 tháng 9 năm 2002 của
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xét chuyển ngạch cho công chức vào các ngạch cán sự,
chuyên viên hoặc tương đương thì việc tuyển dụng, xét tuyển dụng và xét chuyển
ngạch công chức ngành Tòa án nhân dân còn phải thực hiện theo hướng dẫn sau
đây:
A. TUYỂN DỤNG, XÉT TUYỂN DỤNG
CÔNG CHỨC
I. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN DỤNG, XÉT TUYỂN
DỤNG
1. Căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được
phân bổ và nhu cầu tuyển dụng, xét tuyển dụng của Tòa án nhân dân tối cao hoặc
Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án
nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương thông báo công khai số lượng chỉ tiêu tuyển dụng, xét tuyển dụng và đối tượng,
tiêu chuẩn công chức cần tuyển dụng.
2. Chỉ tuyển dụng, xét tuyển dụng
các chức danh còn thiếu, không được lấy chỉ tiêu của chức danh này để tuyển dụng
cho các chức danh khác.
3. Đối tượng tuyển dụng đối với các
ngạch công chức cụ thể như sau:
a. Đối với ngạch Chuyên viên pháp
lý, Thư ký Tòa án là những người tốt nghiệp Đại học Luật hệ Chính quy và đảm bảo
ngoại hình không bị dị tật, dị hình.
b. Đối với các ngạch công chức khác
như kế toán, văn thư, đánh máy… là những người đã tốt nghiệp các ngành học
chuyên môn tương ứng, hệ chính quy.
c. Ưu tiên tuyển dụng, xét tuyển dụng
những người đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành hệ chính quy loại khá, giỏi; Tiến
sĩ, Thạc sĩ.
d. Các trường hợp tốt nghiệp Đại học
chuyên ngành hệ mở rộng, tại chức, chuyên tu không thuộc đối tượng tuyển dụng,
xét tuyển dụng công chức vào ngành Tòa án nhân dân, trừ trường hợp đặc biệt ở
vùng miền núi và hải đảo không có người thuộc đối tượng quy định tại tiết a, tiết
b và tiết c điểm 3 mục này.
4. Thực hiện việc xét tuyển dụng đối
với những trường hợp sau:
a. Những người đã tốt nghiệp Đại học
Luật hệ chính quy tình nguyện làm việc ở những vùng cao, vùng sâu, vùng xa,
biên giới, hải đảo hoặc để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở
vùng dân tộc ít người với điều kiện phải cam kết làm việc ở những vùng này với
thời gian tối thiểu là 7 năm kể từ khi có quyết định tuyển dụng.
b. Những người có học vị Tiến sĩ,
Thạc sĩ.
c. Những người đang làm việc ở các
đơn vị hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp của nhà nước và lực lượng vũ
trang có bằng Cử nhân Luật hệ chính quy không thuộc đối tượng quy định tại tiết
a và tiết b điểm 4 mục này có nguyện vọng xin chuyển công tác về cơ quan Tòa án
nhân dân.
5. Đối với những trường hợp đặc biệt
tuy không thuộc các đối tượng được thi tuyển, xét tuyển quy định tại điểm 3 và điểm
4 nêu trên thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh báo cáo Tòa án nhân dân tối
cao (thông qua Vụ Tổ chức - Cán bộ). Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ tổng hợp các
trường hợp đặc biệt đề nghị thi tuyển, xét tuyển vào ngành Tòa án nhân dân báo
cáo lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết.
II. NỘI DUNG THI TUYỂN
1. Phần thi viết:
a. Đối với ngạch chuyên viên pháp
lý, thư ký Tòa án nội dung phần thi viết để kiểm tra kiến thức thuộc các vấn đề
cơ bản sau đây:
- Hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống tổ chức theo chuyên ngành Tư pháp,
Tòa án nhân dân.
- Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của
Tòa án nhân dân các cấp.
- Địa vị pháp lý của Thẩm phán, Thư
ký, chuyên viên pháp lý.
- Hình thức, nội dung thể hiện một
số loại văn bản pháp lý. Yêu cầu người dự thi dự thảo một quyết định, thông tư
hoặc công văn trả lời một vấn đề nào đó thuộc lĩnh vực tư pháp.
- Các quy định của pháp luật tố tụng
về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án tại Tòa án.
- Hình thức, nội dung và cách thể
hiện một biên bản (biên bản phiên tòa, biên bản cuộc họp…)
b. Đối với các ngạch khác như kế
toán, văn thư, đánh máy… phần thi viết cần tập trung vào chuyên môn nghiệp vụ của
ngạch mà người dự thi đăng ký.
2. Phần thi vấn đáp: Nội dung thi
nhằm mục đích phát hiện năng khiếu, cách ứng xử và sự hiểu biết về xã hội. Do
đó, câu hỏi cần tập trung một số vấn đề như sau:
- Đưa ra tình huống và yêu cầu thí
sinh trả lời.
- Những vấn đề xã hội, đời sống,
tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
- Chức năng nhiệm vụ của ngạch mà
người dự thi đăng ký nguyện vọng dự thi.
- Các quy định của pháp luật tố tụng
về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án tại Tòa án.
III. HỘI ĐỒNG THI TUYỂN VÀ XÉT
TUYỂN CÔNG CHỨC
1. Hội đồng thi tuyển công chức
ngành Tòa án nhân dân:
a. Hội đồng thi tuyển công chức Tòa
án nhân dân tối cao, gồm có:
- Chủ tịch Hội đồng: Đại diện lãnh
đạo Tòa án nhân dân tối cao.
- Phó chủ tịch Hội đồng: Đại diện
lãnh đạo Vụ Tổ chức - Cán bộ.
- Các ủy viên:
+ Một Chánh tòa Tòa chuyên trách
thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
+ Đại diện Lãnh đạo Ban thư ký Tòa
án nhân dân tối cao;
+ Một công chức đại diện cho ngạch
công chức đăng ký dự thi (Chuyên viên pháp lý hoặc Thẩm tra viên của Tòa án
nhân dân tối cao).
b. Hội đồng thi tuyển công chức Tòa
án nhân dân địa phương, gồm có:
- Chủ tịch Hội đồng: Chánh án Tòa
án nhân dân cấp tỉnh.
- Phó chủ tịch Hội đồng: Một trong
các Chánh tòa Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Các ủy viên:
+ Trưởng phòng Tổ chức - cán bộ;
+ Một Chánh án Tòa án nhân dân cấp
huyện thuộc tỉnh;
+ Một công chức đại diện cho ngạch
công chức đăng ký dự thi (Chuyên viên pháp lý hoặc Thư ký hoặc Thẩm tra viên của
Tòa án nhân dân cấp tỉnh).
Trường hợp tuyển dụng các ngạch
công chức khác như kế toán, văn thư, đánh máy… thì Hội đồng thi tuyển công chức
mời các chuyên gia về lĩnh vực chuyên môn mà thí sinh đăng ký dự thi tham gia Hội
đồng thi tuyển. Nếu đơn vị không tổ chức thi tuyển được thì có thể gửi thí sinh
dự thi tại Hội đồng thi do cơ quan chuyên môn có thẩm quyền tổ chức.
Hội đồng thi tuyển công chức đồng
thời là Hội đồng xét tuyển công chức.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
ra Quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển công chức trên cơ sở đề nghị của Vụ
trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ (đối với Hội đồng thi tuyển công chức Tòa án nhân
dân tối cao) và Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh (đối với Hội đồng thi tuyển
công chức Tòa án nhân dân địa phương).
IV. TỔ CHỨC THI TUYỂN
1. Hàng năm Vụ trưởng Vụ Tổ chức -
Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được phân bổ báo
cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo việc tổ chức thi tuyển dụng công
chức vào Tòa án nhân dân tối cao.
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh
căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được phân bổ chỉ đạo việc tổ chức thi tuyển dụng
công chức vào các Tòa án nhân dân thuộc quyền quản lý.
2. Giấy thi, bút viết do hội đồng
thi tuyển chuẩn bị, cung cấp cho thí sinh.
3. Lệ phí thi đối với mỗi thí sinh
là 100.000 đồng. Lệ phí này Hội đồng thi tuyển công chức sử dụng cho việc tổ chức
thi tuyển công chức.
V. TỔ CHỨC XÉT TUYỂN
Những trường hợp thuộc diện xét tuyển
theo quy định tại điểm 4, mục I, phần A công văn này, Hội đồng xét tuyển tiến
hành kiểm tra sát hạch, đánh giá công chức và xét tuyển.
VI. TUYỂN DỤNG, XÉT TUYỂN DỤNG
CÔNG CHỨC
1. Căn cứ vào kết quả thi hoặc kết
quả xét tuyển Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ lập danh sách những người tuyển
theo mẫu gửi kèm theo Công văn này và hồ sơ của người trúng tuyển báo cáo Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định tuyển dụng.
2. Căn cứ vào kết quả thi hoặc kết
quả xét tuyển Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập danh sách những người trúng
tuyển theo mẫu gửi kèm Công văn này và hồ sơ của người trúng tuyển về Tòa án
nhân dân tối cao (Vụ Tổ chức - Cán bộ). Sau khi có kết quả thẩm định của Tòa án
nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tuyển dụng,
tiếp nhận công chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quyết định số 51/2002/QĐ-TCCB
ngày 23/10/2002 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phân cấp quản lý
cán bộ Tòa án nhân dân địa phương.
B. XÉT CHUYỂN NGẠCH CÔNG CHỨC
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG
Là công chức hiện đang công tác tại
Tòa án nhân dân các cấp đang xếp ở các ngạch nhân viên, cán sự hoặc tương
đương, được cơ quan cử đi học tập nâng cao trình độ và đã được cấp bằng tốt
nghiệp.
II. TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN XÉT
CHUYỂN NGẠCH
Công chức có đủ tiêu chuẩn và điều
kiện sau thì được xem xét chuyển ngạch:
1. Hoàn thành tốt các nghĩa vụ của
công chức quy định tại Pháp lệnh Cán bộ, công chức;
2. Có thời gian giữ ngạch cũ từ 5
năm trở lên, có nguyện vọng chuyển sang ngạch mới;
3. Cơ quan có vị trí nhu cầu công
việc;
4. Đạt yêu cầu trình độ đào tạo quy
định tại tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch đề nghị chuyển xếp;
5. Không trong thời gian xem xét hoặc
đang thi hành kỷ luật.
III. NGUYÊN TẮC XÉT CHUYỂN NGẠCH
1. Đối với các trường hợp đang ở
các ngạch nhân viên đã có bằng tốt nghiệp Đại học Luật hệ chính quy (đối với
vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có bằng Đại học Luật) thì có
thể được xét chuyển sang ngạch thư ký (nếu có bằng trung học chuyên nghiệp thì
có thể được xét chuyển sang ngạch cán sự hoặc tương đương).
2. Đối với các trường hợp đang ở ngạch
cán sự, thư ký đã có bằng tốt nghiệp Đại học Luật hệ chính quy (đối với vùng
cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có bằng đại học Luật) thì có thể
được xét chuyển sang ngạch chuyên viên hoặc tương đương.
3. Đối với các trường hợp đang ở ngạch
thư ký, chuyên viên hoặc thẩm tra viên nếu có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện
quy định tại phần II của công văn này thì có thể được xét chuyển từ ngạch thẩm
tra viên sang ngạch thư ký hoặc chuyên viên và ngược lại.
IV. HỒ SƠ CỦA CÔNG CHỨC ĐỀ NGHỊ
CHUYỂN NGẠCH
Thủ tục, hồ sơ đề nghị chuyển ngạch
đối với công chức Tòa án nhân dân các cấp bao gồm:
1. Đơn xin xét chuyển ngạch;
2. Bản nhận xét đánh giá của đơn vị
sử dụng công chức về quá trình công tác của công chức trong 3 năm gần nhất;
3. Công văn đề nghị của Chánh án
Tòa án nhân dân cấp huyện đối với công chức các Tòa án nhân dân cấp huyện; văn
bản đề nghị của các Phòng, Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao đối với
công chức của Tòa án nhân dân tối cao hoặc thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với
công chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
4. Bản trích ngang của công chức đề
nghị chuyển ngạch gồm các tiêu chí: Họ và tên; năm sinh; năm tuyển dụng; ngạch
và hệ số lương đang hưởng, thời gian hưởng; đề nghị vào ngạch và hệ số lương mới;
5. Bản sao các văn bản, chứng chỉ
(có xác nhận của cơ quan quản lý và sử dụng công chức, hoặc của cơ quan công chứng).
V. HỘI ĐỒNG XÉT CHUYỂN NGẠCH
CÔNG CHỨC
Thành phần Hội đồng xét chuyển ngạch
công chức là các thành phần của Hội đồng thi tuyển công chức tại phần III, mục
A của công văn này.
VI. TỔ CHỨC XÉT CHUYỂN NGẠCH
1. Căn cứ nhu cầu công tác, các đơn
vị lập danh sách công chức có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm
2, Công văn này gửi về Vụ Tổ chức - Cán bộ (đối với Tòa án nhân dân tối cao) hoặc
Phòng Tổ chức - Cán bộ (đối với Tòa án nhân dân địa phương) để tổng hợp, đề nghị
Hội đồng xét chuyển ngạch xem xét.
2. Hội đồng xét chuyển ngạch căn cứ
vào đề nghị của các đơn vị; hồ sơ của công chức được đề nghị chuyển ngạch để
xem xét, nếu đủ các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm 2, Công văn này
thì Hội đồng yêu cầu Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ làm tờ trình Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao xem xét, quyết định hoặc đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp
tỉnh làm tờ trình (kèm danh sách theo mẫu và hồ sơ của công chức đề nghị chuyển
ngạch) gửi về Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Tổ chức - Cán bộ) để thẩm định.
3. Căn cứ vào kết quả thẩm định của
Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chuyển
ngạch và xếp lương cho công chức có tên trong danh sách được duyệt. Quyết định
chuyển ngạch công chức được gửi về Vụ Tổ chức Cán bộ - Tòa án nhân dân tối cao
để theo dõi, quản lý.
4. Việc xếp lương cho công chức được
xét chuyển ngạch thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2000/TT-BTCCBCP
ngày 19 tháng 6 năm 2000 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
5. Sau khi chuyển ngạch nếu đơn vị
không còn biên chế để tuyển dụng công chức mới thay thế thì người được chuyển
ngạch vẫn phải kiêm nhiệm công việc của ngạch cũ.
6. Việc tổ chức xét chuyển ngạch
công chức phải được tiến hành công khai, dân chủ, đảm bảo tính ổn định trong
công tác tổ chức cũng như việc bố trí sử dụng cán bộ lâu dài.
Trong quá trình thực hiện hướng dẫn
này có gì vướng mắc đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phản ánh với Tòa
án nhân dân tối cao để Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, giải quyết.
(Gửi kèm công văn này là các tài liệu
liên quan đến việc thực hiện việc tuyển dụng, xét tuyển dụng và xét chuyển ngạch
công chức hiện hành: Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về
tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Thông tư số 04/1999/TT-TCCP ngày
20/3/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số
95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý
công chức; Công văn số 197/BNV-CCVC ngày 12 tháng 9 năm 2002 của Bộ Nội vụ hướng
dẫn việc xét chuyển ngạch cho công chức vào các ngạch cán sự, chuyên viên hoặc
tương đương; Thông tư số 39/2000/TT-BTCCBCP ngày 19 tháng 6 năm 2000 của Ban Tổ
chức - Cán bộ Chính phủ).