Công văn 1505/BGDĐT-KHTC đề nghị chỉ đạo và quán triệt thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2020-2021; 2021-2022 và công tác chỉ đạo điều hành giá năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 1505/BGDĐT-KHTC
Ngày ban hành 16/04/2021
Ngày có hiệu lực 16/04/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1505/BGDĐT-KHTC
V/v đề nghị chỉ đạo và quán triệt thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2020 - 2021; 2021-2022 và công tác chỉ đạo điều hành giá năm 2021

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm  2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có các Công văn: số 1620/BGDĐT-KHTC ngày 11/5/2020, số 3281/BGDĐT-KHTC ngày 27/8/2020, số 4072/BGDĐT-KHTC ngày 09/10/2020 gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị thực hiện các khoản thu năm học 2020-2021 và huy động nguồn lực đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, thời gian qua theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ GDĐT, để xảy ra tình trạng cơ sở giáo dục thực hiện một số khoản thu ngoài quy định, đặc biệt là tăng mức học phí quá cao trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống và kinh tế của người dân đang còn gặp nhiều khó khăn cần có sự chia sẻ của toàn xã hội. Để chấm dứt tình trạng trên và tiếp tục triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Công văn số 655/VPCP-KTTH ngày 27/01/2021 về công tác điều hành giá năm 2021, Bộ GDĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục quán triệt thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu tại văn bản số 1620/BGDĐT-KHTC ngày 11/5/2020, số 3281/BGDĐT-KHTC ngày 27/8/2020, số 4072/BGDĐT-KHTC ngày 09/10/2020 của Bộ GDĐT về các nội dung: (1) Tăng cường công tác giải ngân đầu tư công, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; (2) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm; (3) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về kê khai giá, niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn; thực hiện hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh, sinh viên theo quy định hiện hành và quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để bảo đảm tất cả học sinh có đủ sách giáo khoa đến trường; (4) Hội đồng nhân dân các tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quy định tại điểm b, khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục 2019. Việc quản lý và sử dụng các khoản huy động tài trợ, ủng hộ tự nguyện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ GDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Đối với năm học 2021-2022: Theo quy định, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 sẽ hết hiệu lực sau khi kết thúc năm học 2020-2021. Thời gian qua Bộ GDĐT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP để áp dụng từ năm học 2021-2022 và hiện nay đã trình Chính phủ để xem xét, phê duyệt.

Để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid và các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, Bộ GDĐT đã lấy ý kiến các bộ ngành, các địa phương về dự thảo Nghị định và báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí của năm học 2021-2022 ổn định không tăng so với năm học 2020-2021. Từ năm học 2022-2023, mức học phí được điều chỉnh tăng theo lộ trình phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế để từng bước thực hiện lộ trình tính đủ chi phí theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giá và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ GDĐT đề nghị các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 20202021 được quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi Chính phủ duyệt ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, các bộ ngành, địa phương, cơ sở giáo dục cần rà soát thực hiện theo đúng Nghị định mới được ban hành. Đồng thời cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan, khi xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục trực thuộc, phải bao gồm nội dung về phương án thu - chi tài chính, thuyết minh rõ căn cứ, cơ sở xây dựng mức thu học phí và lộ trình tăng học phí hàng năm theo đúng quy định của Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với xã hội về hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó có nội dung về quản lý học phí theo quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/8/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện công khai về cam kết đầy đủ chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chịu trách nhiệm giải trình trước người học, xã hội về các mức thu của đơn vị.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để p/h);
- Giám đốc Sở GDĐT (để thực hiện);
- VP, TTr, Vụ GMMN, Vụ GDTH, Vụ GDTrH;
- Trung tâm Truyền thông giáo dục;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Ngọc Thưởng

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ