Công văn 1497/VPCP-KGVX về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1497/VPCP-KGVX
Ngày ban hành 10/03/2022
Ngày có hiệu lực 10/03/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1497/VPCP-KGVX
V/v phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và CTCT năm 2022 của UBQG PCAIDSMTMD

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), các bộ, cơ quan thành viên và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mặt công tác lớn trong năm 2021 và chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 như sau:

I. Kết quả công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021:

1. Kết quả:

- Công tác xét nghiệm HIV tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa. Việc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm qua hệ thống nhà thuốc đã được triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng điều trị HIV/AIDS tiếp tục được duy trì ở mức cao hàng đầu thế giới. Nhiều biện pháp đã được triển khai để đa dạng hình thức cấp thuốc ARV cho người bệnh trong bối cảnh COVID-19, trong đó có mở rộng cấp thuốc nhiều tháng, cấp thuốc qua nhân viên y tế, nhân viên tình nguyện hoặc đơn vị vận chuyển cho các bệnh nhân bị cách ly hoặc trong khu vực bị phong tỏa do COVID-19...

- Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy tiếp tục được hoàn thiện. Các lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia; số vụ, số đối tượng bắt giữ tiếp tục tăng so với năm 2020. Công tác kiểm soát và quản lý các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần và ngăn chặn, triệt phá diện tích cây trồng có chứa chất ma túy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến khắc phục những khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Đã triển khai các giải pháp đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa, giảm hại, xây dựng mạng lưới cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm; công tác phối hợp liên ngành trong thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ được tăng cường...

2. Khó khăn, hạn chế:

- Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt các tỉnh thành phố lớn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn cao. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhân lực, tài chính bị giảm sút; cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật phẩm bị chậm; tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khó khăn.

- Kết quả đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy còn chưa tương xứng với tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy hiện nay; trang thiết bị, phục vụ công tác giám định về ma túy còn thiếu; tình hình tái trồng cây chứa chất ma túy hàng năm vẫn diễn biến với nhiều cách thức tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, phá nhổ và xử lý. Công tác cai nghiện chưa có sự tham gia tích cực của gia đình và bản thân người nghiện; sự phối hợp giữa các ngành trong tạo việc làm ổn định đời sống cho người sau cai nghiện hiệu quả chưa cao.

- Các hoạt động hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các chương trình tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ vốn tại cộng đồng có hiệu quả chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tại một số địa phương chưa được chú trọng. Biến tướng về phương thức hoạt động mại dâm dẫn đến khó khăn trong công tác đấu tranh, truy quét, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, tội phạm liên quan đến mại dâm.

- Công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tuy đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức song vẫn còn dàn trải, thiếu chiều sâu. Một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên còn chưa nhận thức đúng về tác hại của ma túy tổng hợp và thiếu kỹ năng phòng tránh tệ nạn xã hội.

- Nguồn kinh phí hỗ trợ, phục vụ công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm ở nhiều địa phương còn khó khăn, hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở.

II. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022:

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ công tác trọng tâm và Chương trình công tác năm 2022 (ban hành kèm theo) như sau:

1. Công tác tuyên truyền:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, mại dâm, các nhóm nguy cơ cao; tăng cường sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền; duy trì, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.

- Các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet, mạng xã hội đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; gửi tin nhắn, thông điệp tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên hệ thống điện thoại di động. Xây dựng, đa dạng hóa các chương trình, phóng sự, phim tài liệu, bản tin... tuyên truyền; tăng cường phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, học sinh, sinh viên, người lao động, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và đồng bào dân tộc thiểu số, người có chức sắc trong các vùng tôn giáo; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy tại các vùng trọng điểm.

- Tổ chức triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy; Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS.

2. Về phòng, chống HIV/AIDS:

- Đa dạng và mở rộng xét nghiệm HIV, đặc biệt là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV, phấn đấu phát hiện mới 10.000 trường hợp nhiễm HIV.

- Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân; mở rộng triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày.

- Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho 45.000 khách hàng các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là nhóm MSM.

- Mở rộng điều trị ARV cho 170.000 bệnh nhân HIV/AIDS; tiếp tục duy trì chất lượng điều trị ở mức độ cao, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng Virus dưới ngưỡng ức chế đạt trên 95%.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt kế hoạch hoặc đề án bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được phê duyệt; 75% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV qua nguồn BHYT.

3. Về phòng, chống ma túy:

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025; Thông báo kết luận số 330/TB-VPCP ngày 09 tháng 12 năm 2021 và 349/TB-VPCP ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.

[...]