Công văn 1429/BNN-TY kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn để phòng chống dịch bệnh Tai xanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1429/BNN-TY
Ngày ban hành 17/05/2010
Ngày có hiệu lực 17/05/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Diệp Kỉnh Tần
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1429/BNN-TY
V/v: Kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn để phòng chống dịch bệnh Tai xanh

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2010

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện nay, dịch bệnh Rối loạn hô hấp và sinh sản (Tai xanh) ở lợn diễn biến rất phức tạp ở một số tỉnh phía Bắc và có nguy cơ lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Tính đến ngày 17/5/2010 cả nước đã có 15 tỉnh có dịch Tai xanh, bao gồm: Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình và Cao Bằng. Tổng số lợn mắc bệnh là 78.590 con, trong đó có 36.254 lợn chết và tiêu hủy. Một trong những nguyên nhân chính làm dịch lây lan là do có tình trạng người dân bán chạy lợn hoặc giết mổ lợn ốm tại các vùng đang có dịch hoặc mua gom lợn để vận chuyển từ vùng có dịch sang vùng khác và không được kiểm soát chặt chẽ.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan do việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn chưa qua xử lý (sau đây gọi là sản phẩm từ lợn), đồng thời hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các Ban, ngành tại địa phương:

1. Về vận chuyển, giết mổ lợn:

a) Không cho vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đi qua các vùng đang có dịch bệnh Tai xanh.

Trong trường hợp bắt buộc phải vận chuyển qua các vùng đang có dịch: Chỉ cho phép các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và phải đi theo tuyến đường do Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh quy định; không được dừng phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trong các vùng đang có dịch.

b) Tại các xã giáp với xã có dịch: Chỉ được phép vận chuyển ra khỏi tỉnh đối với lợn khỏe mạnh có nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, không nhiễm bệnh.

c) Không cho vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra khỏi xã có dịch.

Riêng đối với lợn khỏe mạnh có nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi tập trung nằm trong xã có dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Tai xanh thì được phép vận chuyển ra khỏi tỉnh, đến thẳng cơ sở giết mổ (đối với lợn thịt) hoặc cơ sở cách ly kiểm dịch (đối với lợn giống) được chỉ định trước.

d) Giết mổ lợn khỏe tại các tỉnh đang có dịch:

Việc giết mổ lợn phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ và được kiểm soát của cơ quan thú y tại địa phương; cơ sở giết mổ phải có nơi thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng bằng hóa chất trước khi thải ra môi trường và vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi giết mổ, dụng cụ giết mổ.

2. Biện pháp quản lý vận chuyển lợn:

- Tất cả các loại lợn (với mục đích nuôi làm giống, nuôi thương phẩm) được phép vận chuyển ra khỏi tỉnh có dịch, nhưng phải được đánh dấu bằng cách bấm thẻ tai hoặc xăm tai theo quy định.

- Riêng đối với lợn vận chuyển đến các cơ sở giết mổ và lợn của các Công ty chăn nuôi lợn vận chuyển đến các trang trại khác của Công ty với mục đích luân chuyển đàn để nuôi tiếp thì phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dùng và được niêm phong bằng kẹp chì hoặc dây niêm phong.

3. Yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn:

- Phải đảm bảo không để rơi vãi các chất thải trong quá trình vận chuyển;

- Phương tiện vận chuyển phải được gia cố thành và nóc xe để chủ hàng không thể tự ý lấy thêm hoặc bớt số lượng trong quá trình vận chuyển, đồng thời phải được niêm phong bằng kẹp chì hoặc dây niêm phong;

- Phải được phun thuốc khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển, tại các trạm, chốt kiểm dịch khi đi qua hoặc khi đi qua vùng có dịch.

4. Trách nhiệm của Cục Thú y và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố:

a) Cục Thú y chỉ đạo các Cơ quan Thú y vùng tổ chức kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển tại các trạm, chốt kiểm dịch của các Chi cục Thú y thuộc địa bàn Cơ quan Thú y vùng quản lý.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y tại địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn theo quy định của pháp luật về thú y.

Chi cục Thú y nơi có lợn xuất ra khỏi tỉnh có dịch phải thông báo cho Chi cục Thú y tỉnh tiếp nhận lợn biết về địa điểm nơi lợn được vận chuyển đến để hướng dẫn cách ly trước khi cho nhập đàn hoặc giám sát giết mổ.

5. Đề nghị các Bộ: Công an, Công Thương, Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với việc vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn có nguồn gốc từ vùng có dịch.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, xin gửi văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Nguyễn Sinh Hùng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (để b/c);
- Các Bộ: Công an, Công Thương, Giao thông Vận tải;
- Các Cục: Thú y, Chăn nuôi;
- Trung tâm KNKN Quốc gia;
- Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh, TP;
- Tổng Cty Chăn nuôi Việt Nam;
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần

 

 

[...]