Công văn 1417/BXD-GĐ năm 2022 về tăng cường hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 1417/BXD-GĐ
Ngày ban hành 26/04/2022
Ngày có hiệu lực 26/04/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Thanh Nghị
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1417/BXD-GĐ
V/v tăng cường hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2022

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp.

Ngày 10/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật số 56/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021; ngày 10/6/2020, Chính phủ đã ban Nghị định số 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BXD ngày 22/12/2021 quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng và có hiệu lực thi hành từ ngày 05/02/2022.

Cùng với hệ thống quy định pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng ngày càng hoàn thiện, thực tế trong những năm qua, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực như: các tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng được tăng lên về số lượng, chất lượng; công tác giám định tư pháp ngày càng được nâng cao về chất lượng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng tổ chức, cá nhân giám định tư pháp từ chối, né tránh khi được trưng cầu giám định; một số cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu chưa đúng đối tượng, nội dung giám định hoặc trưng cầu tổ chức, cá nhân không có chức năng, năng lực giám định, chưa bàn giao kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu giám định; một số địa phương chưa chủ động trong việc rà soát, bổ nhiệm, công nhận, đăng tải danh sách tổ chức, cá nhân giám định phục vụ việc trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; một số vụ việc giám định có kết luận giám định chưa chính xác, phải giám định lại;...

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định mới của pháp luật về giám định tư pháp và kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan thực hiện các nội dung sau:

1. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về giám định tư pháp và giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng cho đội ngũ giám định viên tư pháp xây dựng, người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc và đội ngũ người trưng cầu giám định tư pháp liên quan đến lĩnh vực xây dựng thuộc địa bàn quản lý;

b) Rà soát, kiện toàn tổ chức, cá nhân có chức năng giám định nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng như bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp xây dựng; công nhận tổ chức, cá nhân giám định viên tư pháp xây dựng ở địa phương và đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phục vụ việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng;

c) Bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý;

d) Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với công tác giám định; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, né tránh, từ chối giám định, cố tình ban hành kết luận giám định không đúng;

d) Căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế và thẩm quyền của mình quy định chế độ, chính sách để thu hút cá nhân, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp;

e) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giám định, kết luận giám định đối với các vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định, đặc biệt là đối với các vụ án, vụ việc trọng điểm đảm bảo kịp thời, chính xác, khách quan;

g) Kịp thời tổng hợp báo cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương gửi Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Bộ Xây dựng đế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng theo quy định.

2. Đối với cơ quan tiến hành tố tụng các cấp

a) Nghiên cứu các quy định mới của pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng để đảm bảo trưng cầu đúng đối tượng, nội dung giám định và trưng cầu các tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với đối tượng, nội dung giám định;

b) Cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu, đối tượng giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định; kịp thời thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định hoặc người thân thích của người giám định để người giám định yên tâm thực hiện giám định;

c) Tạm ứng, thanh toán kịp thời chi phí, tiền bồi dưỡng giám định và tham dự phiên tòa cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám định tư pháp xây dựng.

Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tư pháp (để biết và theo dõi);
- Lưu VT, CGĐ.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Nghị

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ