Công văn 11971/BTC-PC năm 2023 hướng dẫn quy trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 11971/BTC-PC
Ngày ban hành 03/11/2023
Ngày có hiệu lực 03/11/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Thái Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11971/BTC-PC
V/v hướng dẫn quy trình soạn thảo các văn bản QPPL

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2023

 

Kính gửi: Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính đã có nhiều chỉ đạo nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Theo đó, trong thời gian qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tài chính, cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính tại một số đơn vị thuộc Bộ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định nên phần nào đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của văn bản quy phạm pháp luật tài chính.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính ban hành quy trình (sổ tay nghiệp vụ) soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, gồm:

(1) Quy trình soạn thảo đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

(2) Quy trình soạn thảo đối với nghị định của Chính phủ;

(3) Quy trình soạn thảo đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

(4) Quy trình soạn thảo đối với thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

(Chi tiết tại Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3, Phụ lục 4 - gửi kèm)

Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị:

- Tuyên truyền, phổ biến các quy trình nêu trên đến các cán bộ, công chức trong đơn vị, đặc biệt là các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để biết và thực hiện.

- Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh về Vụ Pháp chế để kịp thời phối hợp giải quyết./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ trưởng BTC (để b/c);
- Lưu: VT, PC (3 b).

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ




Hoàng Thái Sơn

 

PHỤ LỤC 1

QUY TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI, PHÁP LỆNH, NGHỊ QUYẾT CỦA UBTVQH
(Kèm theo công văn số 11971/BTC-PC ngày 03/11/2023 của Bộ Tài chính)

I. Lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

1. Các trường hợp phải lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh:

- Luật, nghị quyết của Quốc hội quy định tại điểm b[1] và c[2] khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16[3] của Luật Ban hành văn bản QPPL thì phải lập đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH (sau đây gọi là đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh).

- Các nghị quyết còn lại của Quốc hội, UBTVQH không phải lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

2. Quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (mục 1 chương III Luật Ban hành văn bản QPPL):

- Bước 1: Đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm:

+ Thực hiện tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

+ Tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

+ Nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

+ Xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Đánh giá tác động của chính sách;

+ Dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua...

(Chi tiết tại Điều 34, Điều 35 Luật Ban hành văn bản QPPL).

[...]