Công văn 11941/BTC-TCHQ năm 2014 về quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của SEV, SEVT do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 11941/BTC-TCHQ
Ngày ban hành 26/08/2014
Ngày có hiệu lực 26/08/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11941/BTC-TCHQ
V/v: quản lý đối với hoạt động của SEV, SEVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2014

 

Kính gửi: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam
(Đ/c: KCN Yên Phong I, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời công văn số 0107/14-FIN/SEV ngày 14/7/2014 của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) về một số vướng mắc nội dung vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Hoạt động mua bán, luân chuyển hàng hóa giữa SEV và SEVT (Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên):

Theo trình bày của SEV thì trong quá trình sản xuất, hai Công ty SEV và SEVT có thể sử dụng một số nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện, vật tư tiêu hao, bán thành phẩm, thiết bị và máy móc giống nhau cho nên phát sinh việc luân chuyển hàng hóa này giữa SEV và SEVT theo các hợp đồng mua bán, thuê mượn. Xét quan hệ giữa SEV và SEVT là hai Công ty thuộc cùng một Tập đoàn và việc luân chuyển này để phục vụ mục đích sản xuất, Bộ Tài chính đồng ý cho phép hoạt động này thực hiện theo quy định tại Điểm e.3, Khoản 3 Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nếu không làm thủ tục hải quan thì hàng tháng SEV, SEVT phải có trách nhiệm tổng hợp, thông báo với cơ quan Hải quan quản lý các nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị đã đưa vào và đã đưa ra từ quan hệ luân chuyển này (bảng kê gồm thông tin: mã hàng hóa, mã HS, tên hàng hóa đơn vị tính, số lượng, mục đích) và được sử dụng các bảng thông báo này vào việc thanh khoản, báo cáo nhập- xuất- tồn theo quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính.

2. Về thủ tục hải quan giữa SEV, SEVT với các Công ty vệ tinh:

Theo trình bày của của SEV thì trong hoạt động sản xuất của SEV, SEVT thường xuyên phát sinh các giao dịch với Công ty vệ tinh như thuê gia công hoặc cung cấp sản phẩm, bán sản phẩm theo hợp đồng mua bán. Xét quan hệ giữa SEV, SEVT với các Công ty vệ tinh là quan hệ giữa hai DNCX cùng một khu công nghiệp, Bộ Tài chính đồng ý cho phép hoạt động này được thực hiện theo quy định tại Điểm e.2 Khoản 3 Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính như đối với quan hệ trao đổi hàng hóa của các DNCX cùng KCX. Tuy nhiên, hàng tháng SEV, SEVT và các Công ty vệ tinh phải có trách nhiệm tổng hợp, thông báo với cơ quan Hải quan quản lý các nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị và sản phẩm đã đưa vào và đã đưa ra Công ty để thực hiện hoạt động này (bảng kê gồm thông tin: mã hàng hóa, mã HS, tên hàng hóa, đơn vị tính, số lượng, mục đích) và được sử dụng thông báo này vào việc thanh khoản, báo cáo nhập- xuất- tồn theo quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính.

3. Về việc thực hiện hoạt động mua và bán linh kiện, vật liệu phục vụ bảo hành sản phẩm của Công ty:

Xét thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của SEV thì việc nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện là phục vụ cho mục đích sản xuất và chỉ khi thị trường có nhu cầu về bảo hành, sửa chữa thì SEV mới tách một phần nguyên liệu, linh kiện đã nhập khẩu để xuất bán cho đơn vị thực hiện bảo hành sản phẩm. Hơn nữa việc bảo hành sản phẩm sản xuất ra là nghĩa vụ của nhà sản xuất, không phải là hoạt động mua bán đơn thuần. Do vậy, đối với hoạt động này Bộ Tài chính đồng ý cách thực hiện SEV đề xuất, cụ thể khi nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện SEV chưa phải tách riêng phần để phục vụ cho hoạt động bảo hành, đến khi phát sinh hoạt động bảo hành thì sẽ làm thủ tục xuất khẩu cho các đại lý bảo hành, nếu đại lý bảo hành tại Việt Nam thì đại lý bảo hành làm thủ tục nhập khẩu và nộp các khoản thuế theo quy định.

4. Đối với hoạt động mua linh kiện trong nước và nước ngoài để kiểm tra, đóng gói cùng với linh kiện do SEV sản xuất thành bộ linh kiện CKD phục vụ cho hoạt động xuất khẩu. Do hoạt động này SEV đều qua công đoạn phân loại, kiểm tra chất lượng, đóng gói trên dây chuyền SEV, theo tiêu chuẩn của SEV và mang nhãn hiệu Samsung nên được đăng ký tờ khai theo mục đích sản xuất, không phải là hoạt động mua bán hàng hóa trực tiếp.

Bộ Tài chính trả lời để Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh;
- Lưu: VT, TCHQ (10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn