Công văn 1152/TCHQ-GSQL vướng mắc Thông tư 32/2009/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 1152/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 03/03/2010
Ngày có hiệu lực 03/03/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Hoàng Việt Cường
Lĩnh vực Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1152/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc Thông tư số 32/2009/TT-BCT ngày 05/11/2009 của Bộ Công Thương

Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2010

 

Kính gửi: Bộ Công Thương

Quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 32/2009/TT-BCT ngày 05/11/2009 của Bộ Công Thương quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu vải ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành Dệt may. Theo đó, ngày 27/01/2010 Bộ Công Thương đã có công văn số 1098/BCT-CNN về việc áp dụng Thông tư 32/2009/TT-BCT nhằm tháo gỡ vướng mắc nêu trên. Tuy nhiên, đối với việc nhập khẩu hàng hoá phi mậu dịch như quà biếu, quà tặng, hành lý, hàng mẫu ... Ví dụ: vải làm mẫu nhập khẩu qua bưu điện, chuyển phát nhanh, sản phẩm dệt may làm mẫu chưa hoàn chỉnh hoặc hoàn chỉnh số lượng đơn chiếc cho mỗi chủng loại, hàng quà biếu của cá nhân mỗi chủng loại một cái/số lượng nhỏ nếu lấy mẫu thử nghiệm để giám định chất lượng theo hướng dẫn tại Thông tư số 32/2009/TT-BCT thì chủ hàng sẽ không còn hàng để nhận, kéo dài thời gian thông quan (do Thông tư 32/2009/TT-BCT chỉ nêu đối tượng là hàng hoá nhập khẩu mà không chi tiết cho các loại hình).

Để giải quyết vướng mắc trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương cho phép áp dụng khoản 2, Điều 2 Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN ngày 18/06/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ tức là không yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với vải, sản phẩm dệt may thuộc loại hình nhập khẩu phi mậu dịch.

Đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến sớm về nội dung đề nghị trên để Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện.

Tổng cục Hải quan trân trọng sự hợp tác của Quý Bộ./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
  PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường