Công văn 110/HĐPH năm 2023 thực hiện Quyết định 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo duc pháp luật Trung ương ban hành

Số hiệu 110/HĐPH
Ngày ban hành 12/01/2023
Ngày có hiệu lực 12/01/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương
Người ký Nguyễn Thanh Tịnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/HĐPH
V/v triển khai thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977) và được triển khai thực hiện từ năm 2023 đến 2030. Đề án xác định 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc bảo đảm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân chủ động tìm hiểu, sử dụng pháp luật được thuận lợi, kịp thời, đầy đủ; đồng thời, có các giải pháp khuyến khích người dân chủ động tìm hiểu pháp luật. Từ đó, góp phần xây dựng ý thức, lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đề án được coi là giải pháp toàn diện, đột phá để tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo hướng lấy người dân làm trung tâm.

Với ý nghĩa đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đề nghị các cơ quan, tổ chức quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 977 như sau:

1. Yêu cầu chung trong thực hiện Đề án

a) Bám sát các định hướng nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện công tác PBGDPL theo tinh thần Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án.

b) Phát huy vai trò và trách nhiệm của các thành viên Hội đồng, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện Đề án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, sự chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.

c) Quan tâm bố trí kinh phí riêng triển khai tổng thể, đồng bộ, toàn diện Đề án từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm kinh phí thỏa đáng thực hiện PBGDPL cho đối tượng đặc thù, khó khăn, nhất là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em.

2. Các nhiệm vụ cụ thể

2.1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

a) Tổ chức quán triệt, phổ biến, truyền thông về ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án đến các đơn vị thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp; ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó xác định đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp và phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi kết quả thực hiện Đề án tại cơ quan, tổ chức.

b) Phân công tổ chức pháp chế/đơn vị trực thuộc có chức năng tham mưu, triển khai công tác PBGDPL làm đầu mối theo dõi, tham mưu triển khai thực hiện Đề án.

c) Bố trí kinh phí, nguồn lực, các điều kiện bảo đảm, cần thiết cho việc thực hiện Đề án.

d) Đề nghị Bộ Tài chính bố trí kịp thời kinh phí cho các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tại Đề án; chú trọng kinh phí triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực PBGDPL, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin pháp luật cho người dân, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi.

đ) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; tôn vinh, khen thưởng, biểu dương các sáng kiến hữu ích trong hỗ trợ và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

e) Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định tại Quyết định số 350/QĐ-BNV ngày 25/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Danh sách cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chỉ đạo, hướng dẫn, phát huy vai trò của các hội trong triển khai thực hiện Đề án; tạo điều kiện cho các hội triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gắn với đặc điểm, nhu cầu của hội viên thuộc nhóm đặc thù, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em.

2.2. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) tập trung hướng dẫn, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong triển khai Đề án.

2.3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì triển khai Đề án và các nhiệm vụ tại điểm a và đ Mục 2.1 Công văn này tại địa phương; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy/Thành ủy, Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án; xây dựng cơ chế bảo đảm về kinh phí trong triển khai Đề án và bố trí kinh phí, nguồn lực, các điều kiện bảo đảm, cần thiết cho việc thực hiện Đề án.

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án (tổng hợp chung trong Báo cáo công tác tư pháp hằng năm) về Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật). Báo cáo được gửi về theo thời hạn quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, điện thoại 024.6273.9469/0904.860.676) để phối hợp tháo gỡ kịp thời./

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (để báo cáo);
- Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (để báo cáo);
- Các Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (để biết);
- Thành viên Hội đồng PBGDPL trung ương (để thực hiện);
- Thành viên Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (để tham mưu thực hiện);
- Tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể (để thực hiện);
- Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Tổ Thư ký Hội đồng, PBGDPL.

TM. HỘI ĐỒNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




THỨ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Nguyễn Thanh Tịnh

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ