Công văn 1085/SGDĐT-QLT hướng dẫn tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 1085/SGDĐT-QLT
Ngày ban hành 29/03/2019
Ngày có hiệu lực 29/03/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Phạm Văn Đại
Lĩnh vực Giáo dục

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1085/SGDĐT-QLT
V/v hướng dẫn tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2019

 

Kính gửi:

 

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã;
- Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông, Hiệp quản;
- Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên.

Căn cứ Quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 và Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT ngày 18/3/2019 (gọi tắt là Quy chế thi); Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT ngày 01/3/2018 và Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT ngày 28/02/2019 (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh); Công văn số 1209/BGDĐT-QLCL ngày 27/3/2019 về việc hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019, Công văn số 796/BGDĐT-GDĐH ngày 06/3/2019 về việc hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng (CĐ), tuyển sinh trung cấp (TC) nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 của Bộ GDĐT, Sở GDĐT Hà Nội hướng dẫn các phòng GDĐT, trường THPT (công lập, ngoài công lập), các trường hiệp quản, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) (gọi chung là các trường phổ thông) về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA KỲ THI

1. Mục đích

Thi THPT quốc gia nhằm mục đích:

a) Dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT;

b) Cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông;

c) Cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh ĐH, CĐ, TC.

2. Yêu cầu

Thi THPT quốc gia đảm bảo các yêu cầu: Nghiêm túc, khách quan, công bằng.

B. TỔ CHỨC KỲ THI

I. Công tác chuẩn bị

1. Các trường phổ thông hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, học tập và tổ chức ôn tập cho học sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019; tổ chức học tập quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; bồi dưỡng nghiệp vụ làm thi cho cán bộ, giáo viên.

Các trường phổ thông tổ chức tốt việc giáo dục đạo đức tư tưởng cho thí sinh, động viên tinh thần tự tin, trung thực và thái độ ứng xử theo phong cách học sinh Thủ đô văn minh, thanh lịch.

2. Thông tin về kỳ thi: Các trường thông báo kịp thời và đầy đủ về kỳ thi THPT quốc gia cho tất cả học sinh (HS) đang học lớp 12, thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT và chưa tốt nghiệp THPT) để mọi thí sinh có nguyện vọng và đủ điều kiện theo Quy chế thi THPT quốc gia đều được dự thi.

II. Bài thi, hình thức thi và lịch thi

1. Bài thi, hình thức thi

- Tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học)-viết tắt là KHTN, Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT)-viết tắt là KHXH.

- Các bài thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (gọi tắt là thi trắc nghiệm); bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

2. Lựa chọn bài thi, môn thi thành phần của bài thi tổ hợp

a) Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC: Thí sinh phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ, TC.

b) Đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT: Thí sinh học chương trình Giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp; điểm bài thi tổ hợp nào có các môn thi thành phần đều lớn hơn 1,0 điểm và điểm thi cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này, nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

c) Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông). Thí sinh GDTX có thể chọn dự thi bài thi Ngoại ngữ, điểm bài thi này để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC; không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

3. Lịch thi và thời gian làm bài thi

Ngày

Buổi

Bài thi/ Môn thi thành phần của bài thi tổ hợp

Thời gian làm bài

Giờ phát đề thi cho thí sinh

Giờ bắt đầu làm bài

24/6/2019

SÁNG

08 giờ 00: Họp cán bộ làm công tác coi thi tại Điểm thi.

CHIỀU

14 giờ 00: Thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, Lịch thi.

25/6/2019

SÁNG

Ngữ văn

120 phút

07 giờ 30

07 giờ 35

CHIỀU

Toán

90 phút

14 giờ 20

14 giờ 30

26/6/2019

SÁNG

Bài thi KHTN

Vật lí

50 phút

07 giờ 30

07 giờ 35

Hóa học

50 phút

08 giờ 30

08 giờ 35

Sinh học

50 phút

09 giờ 30

09 giờ 35

CHIỀU

Ngoại ngữ

60 phút

14 giờ 20

14 giờ 30

27/6/2019

SÁNG

Bài thi KHXH

Lịch sử

50 phút

07 giờ 30

07 giờ 35

Địa lí

50 phút

08 giờ 30

08 giờ 35

Giáo dục công dân

50 phút

09 giờ 30

09 giờ 35

CHIỀU

Dự phòng

III. Tổ chức thi

1. Cụm thi: Toàn thành phố tổ chức một cụm thi do Sở GDĐT Hà Nội chủ trì, dành cho tất cả các đối tượng thí sinh đăng ký dự thi (người đã học hết chương trình THPT hoặc chương trình GDTX cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi; người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp). Bộ GDĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ phối hợp với Sở GDĐT Hà Nội tổ chức kì thi.

2. Đăng ký dự thi

[...]