Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Công văn 796/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 796/BGDĐT-GDĐH
Ngày ban hành 06/03/2019
Ngày có hiệu lực 06/03/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Lê Hải An
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 796/BGDĐT-GDĐH
V/v Hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019

Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 2019

 

Kính gửi:

- Các đại học, học viện, trường đại học;
- Các trường cao đẳng, trường trung cấp tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên;
- Các sở giáo dục và đào tạo; sở giáo dục, khoa học và công nghệ.

Ngày 28 tháng 02 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017; đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quy chế tuyển sinh).

Quy chế tuyển sinh quy định về việc tuyển sinh đại học hệ chính quy (ĐH); tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy (CĐSP, TCSP). Để thống nhất triển khai thực hiện Quy chế tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các đại học, học viện, các trường đại học; các trường cao đẳng, trường trung cấp tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là trường), các sở giáo dục và đào tạo; sở giáo dục, khoa học và công nghệ (gọi chung là sở GDĐT) một số nội dung sau:

I. Tổ chức tuyển sinh

1. Các Sở giáo dục và đào tạo; Sở giáo dục, khoa học và công nghệ:

a) Sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp trong quá trình tổ chức thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT để nhập dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐSP, TCSP;

b) Tổ chức thực hiện rà soát, xác định khu vực ưu tiên cho các trường THPT và tương đương tại địa phương theo các quy định hiện hành;

c) Chỉ đạo các đơn vị thu nhận “Phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp*” (ĐKDT) và “Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp*” (ĐKXT) (gọi chung là điểm thu nhận hồ sơ); chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thiết bị và cử cán bộ có năng lực, nắm vững Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh để hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh; nhập thông tin Phiếu ĐKDT và Phiếu ĐKXT (Phụ lục 2) vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT; đảm bảo quy trình, thời hạn thực hiện công việc theo kế hoạch chung về tuyển sinh quy định tại Phụ lục 1;

d) Hướng dẫn thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT để kiểm tra thông tin cá nhân và thực hiện điều chỉnh ĐKXT trực tuyến;

đ) Hướng dẫn thí sinh có nhu cầu thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh ĐKXT 01 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng Phiếu ĐKXT. Các thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT sau khi có kết quả phúc khảo thi THPT quốc gia.

- Điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến: thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Lưu ý thí sinh: phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong Phiếu ĐKDT;

- Điều chỉnh bằng Phiếu ĐKXT: thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong Phiếu ĐKDT và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào Phiếu ĐKXT và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT. Lưu ý thí sinh ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Điểm thu nhận hồ sơ phải yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có.

Cập nhật Phiếu ĐKXT của thí sinh và chịu trách nhiệm về thông tin đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT; trong trường hợp nhập sai thông tin so với Phiếu ĐKXT của thí sinh thì phải chủ động liên hệ với thí sinh để điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại khi thí sinh đề nghị và lưu bản đề nghị điều chỉnh sai sót của thí sinh;

g) Chỉ đạo các trường THPT mở các phòng máy tính có nối mạng internet để thí sinh sử dụng thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trực tuyến.

2. Các trường đại học; cao đẳng, trung cấp đào tạo giáo viên

a) Mỗi trường được gán 01 mã số và cấp một tài khoản (tên truy cập và mật khẩu) để sử dụng trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐSP, TCSP;

b) Thực hiện lịch tuyển sinh quy định tại Phụ lục 1 của Hướng dẫn này, nếu có sự thay đổi Bộ GDĐT sẽ thông báo báo tại cổng thông tin tuyển sinh địa chỉ http://thituyensinh.vn, địa chỉ mail của lãnh đạo, cán bộ làm công tác tuyển sinh của các trường đã đăng kí với Bộ GDĐT;

c) Tổ chức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của trường theo quy định tại mục III của Hướng dẫn này;

d) Đề án tuyển sinh phải rõ các thông tin, tránh việc để thí sinh nhầm lẫn giữa tên các trường, tuyển sinh đối tượng trong và ngoài tỉnh, giữa phân hiệu của trường và trường, mã ngành đào tạo dân sự và quân sự, chương trình đào tạo đại trà, chương trình chất lượng cao và chương trình liên kết; cần đặc biệt lưu ý: Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, điểm đảm bảo chất lượng, chính sách ưu tiên của trường phải minh bạch, công khai, gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có học lực tốt, tâm huyết với ngành nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Đối với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu của trường, các trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển các môn văn hóa, các môn thi năng khiếu và các môn thi đánh giá năng lực chuyên biệt phải thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT;

đ) Trong đợt 1, các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 của Quy chế tuyển sinh phải hoàn thành việc cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước ngày 14 tháng 7 năm 2019 và thực hiện quy trình xét tuyển quy định tại khoản 5 Điều 13 của Quy chế; trong các đợt xét tuyển bổ sung (nếu có) phải hoàn thành việc cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi xét tuyển. Các thông tin cập nhật gồm:

- Danh sách các thí sinh đã đạt yêu cầu sơ tuyển;

- Danh sách các thí sinh đã đạt yêu cầu đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc đạt yêu cầu môn năng khiếu;

e) Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành (sau đây gọi chung là ngành) phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm nhận ĐKXT cho từng phương thức tuyển sinh theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy chế tuyển sinh;

g) Các trường công khai mức điểm nhận ĐKXT đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và các điều kiện khác không trái với Quy chế tuyển sinh;

Mức điểm tối thiểu của từng bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển do các trường quy định nhưng không trái với Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT và nêu rõ trong đề án tuyển sinh;

Các trường tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên; các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng phải công khai mức điểm nhận ĐKXT đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và phù hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định và các điều kiện khác không trái với Quy chế tuyển sinh;

h) Trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh ĐKXT vào trường;

i) Các trường phải bố trí bộ phận thường trực gồm các cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh;

[...]