Công văn 102/VTLTNN-NVĐP năm 2004 về danh mục mẫu thành phần tài liệu tiêu biểu thuộc diện nộp lưu vào Lưu trữ huyện do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước ban hành

Số hiệu 102/VTLTNN-NVĐP
Ngày ban hành 04/03/2004
Ngày có hiệu lực 04/03/2004
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
Người ký Dương Văn Khảm
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NỌI VỤ
CỤC VĂN THƯ LƯU TRỮ
NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/VTLTNN – NVĐP
V/v ban hành Danh mục mẫu thành phần tài liệu tiêu biểu thuộc diện nộp lưu vào Lưu trữ huyện.

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2004

 

Kính gửi: Văn phòng ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Để chỉ đạo công tác thu thập tài liệu lưu trữ, nhằm khắc phục những tồn tại về thu nộp tài liệu lưu trữ từ nhiều năm nay ở địa phương, tiếp theo văn bản số 26/VTNN – NVĐP ngày 22 tháng 01 năm 2003 về hướng dẫn xây dựng Danh mục các cơ quan là nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ tỉnh và Lưu trữ huyện. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước ban hành kèm theo công văn này bản” Danh mục mẫu thành phần tài liệu nộp lưu vào Lưu trữ huyện”.

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đề nghị Văn phòng UBND tỉnh sao gửi văn bản này đến Văn phòng UBND các huyện và chỉ đạo, hướng dẫn các Lưu trữ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) xây dựng Danh mục thành phần tiêu biểu thuộc diện nộp lưu của từng huyện cụ thể. Trong quá trình chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Cục Văn thư và Nhà nước bằng văn bản, hoặc trao đổi qua số 04.8327007.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, NVĐP

CỤC TRƯỞNG VĂN THƯ LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC




Dương Văn Khảm

 

DANH MỤC

MẪU THÀNH PHẦN TÀI LIỆU TIÊU BIỂU THUỘC DIỆN NỘP LƯU VÀO LƯU TRỮ HUYỆN
(Ban hành kèm theo công văn số 102/ VTLTNN – NVĐP ngày 04 tháng 03 năm 2004 của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước)

PHẦN THỨ NHẤT

HƯỚNG DẪN VẬN DỤNG BẢN DANH MỤC MẪU

I. Mục đích, phạm vi vận dụng của bản Danh mục mẫu

1. Mục đích

- Bản Danh mục mẫu này mang tính chất định hướng, được dùng làm căn cứ để Trung tâm Lưu trữ tỉnh chỉ đạo hướng dẫn Lưu trữ huyện xây dựng Danh mục thành phần tài liệu nộp lưu vào Lưu trữ huyện.

- Lưu trữ huyện dựa vào bản Danh mục mẫu để lập Danh mục những hồ sơ, tài liệu cụ thể của các cơ quan trong huyện, trên cơ sở đó tiến hành lựa chọn vào giao nộp thành phần tài liệu vào Lưu trữ huyện. Việc lựa chọn được thực hiện trong chỉnh lý hoặc sau chỉnh lý hoàn chỉnh tài liệu của cơ quan.

- Bản danh mục mẫu còn có thể làm cơ sở để phân nhóm ban đầu tài liệu chỉnh lý hoặc để hướng dẫn lập hồ sơ hiện hành.

2. Phạm vi vận dụng

- Bản Danh mục mẫu này chủ yếu được vận dụng để lựa chọn những tài liệu quản lý hành chính có giá trị lịch sử của các cơ quan thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ huyện. Đó là: cơ quan HĐND và UBND huyện (bao gồm Văn phòng và các phòng, ban chức năng) và các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện.

- Riêng đối với một số đơn vị trực thuộc ngành dọc như Tòa án, Kiểm sát, Ngân hàng, Kho bạc, Bưu điện, Thống kê thì trước mắt chỉ thu những tài liệu quản lý hành chính. Những hồ sơ, tài liệu về chuyên môn nghiệp vụ vẫn giữ lại bảo quản ở các cơ quan, đơn vị đó để phục vụ cho công việc giải quyết hàng ngày. Việc lựa chọn những hồ sơ, tài liệu về chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị này sẽ có hướng dẫn riêng.

II. Cấu tạo

Thành phần hồ sơ, tài liệu được thống kê trong Danh mục mẫu được phân chia thành 2 khối: khối tài liệu của HĐND và UBND huyện. Khối tài liệu của UBND huyện hông phân chia theo đơn vị tổ chức của các cơ quan thuộc nguồn nộp lưu, mà theo các mặt hoạt động thành những nhóm tài liệu lớn. Trong từng mặt hoạt động, tài liệu được chia theo ngành hoặc lĩnh vực hoạt động thành những nhóm nhỏ hơn. Trong từng ngành hoặc lĩnh vực hoạt động, tài liệu được tiếp tục phân chia theo vấn đề và cuối cùng là theo việc các hồ sơ, tài liệu cụ thể.

III. Phương pháp vận dụng để xây dựng Danh mục tài liệu nộp lưu

- Khi xây dựng Danh mục tài liệu thuộc diện nộp lưu, Lưu trữ huyện cần căn cứ vào bản Danh mục mẫu, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND, các đơn vị trực thuộc cùng với tình hình thực tế tài liệu.

- Trong quá trình tiến hành xây dựng Danh mục tài liệu thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ huyện mình cần chú ý những điểm sau:

1. Về phân nhóm tài liệu: Về việc phân nhóm tài liệu trong Danh mục mẫu chỉ mang tính tương đối. Lưu trữ huyện phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cụ thể của HĐND, UBND và các đơn vị trực thuộc và tình hình tài liệu để cấu tạo các nhóm hồ sơ, tài liệu cho phù hợp.

Ví dụ 1: Giữa cấp huyện với cấp quận, thị xã, thành, phố trực thuộc tỉnh có sự khác nhau rất lớn. Ngoài những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giống nhau về quản lý nhà nước, chính quyền cấp quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ như: quản lý nhà nước về đô thị, về nhà đất, về giao thông – công chính, phòng cháy chữa cháy v.v.. Đối với chính quyền cấp huyện thì những nhiệm vụ như: quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi... lại nổi bật hơn so với cấp quận. Vì vậy, đối với cấp quận có thể không có hoặc có ít tài liệu thuộc nhóm nông – lâm nghiệp - thủy sản, còn ở cấp huyện thì không có hoặc có ít tài liệu thuộc nhóm giao thông - công chính, nhà đất, quản lý đô thị...

VÍ dụ 2: Trong bản Danh mục mẫu nhóm tài liệu về nhà ở được xếp tạm vào nhóm Tài nguyên. Nhưng trong thực tế, do đặc điểm khác nhau của từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nên cơ cấu tổ chức và việc phân bố chức năng, nhiệm vụ cũng khác nhau. Cụ thể nhóm tài liệu về nhà, đất ở các quận thành phố, thị xã do phòng Địa chính – Nhà đất quản lý. Vì vậy khi xây dựng hoặc Quản lý đô thị, còn tài liệu đất đai thì đưa về nhóm Tài nguyên.

2. Khi xây dựng Danh mục thành phần tài liệu tiêu biểu thuộc diện nộp lưu vào Lưu trữ huyện, nếu phát hiện những hồ sơ, tài liệu có giá trị lịch sử về các mặt hoạt động của địa phương mà chưa được đề cập tới trong Danh mục mẫu, thì Lưu trữ huyện cần bổ sung vào trong Danh mục của huyện mình.

3. Những văn bản của các cơ quan trung ương được cấp tỉnh sao gửi cấp huyện và những văn bản của tỉnh gửi chung cho tất cả các huyện thì được chuyên viên phụ trách việc đó lập hồ sơ nguyên tắc, không phải nộp vào Lưu trữ huyện. Chỉ những văn bản của cấp trên mà nội dung liên quan đến huyện phải thi hành thì được lập thành hồ sơ việc và giao nộp vào Lưu trữ huyện.

[...]