Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Công văn về tố tụng dân sự

Số hiệu 101/NCPL
Ngày ban hành 07/05/1990
Ngày có hiệu lực 07/05/1990
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trịnh Hồng Dương
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 101/NCPL

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 1990

 

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 101/NCPL NGÀY 7 THÁNG 5 NĂM 1990 VỀ TỐ TỤNG DÂN SỰ

 

Một số Toà án đã hỏi Toà án nhân dân tối cao một số vấn đề về Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

1. Khoản 3 Điều 31 Pháp lệnh quy định là “Trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc hoà giải, các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc chịu án phí. Nếu họ không thoả thuận được thì Toà án quyết định mức án phí và người phải chịu án phí”, nhưng khoản 4 Điều này lại quy định là “nếu việc giải quyết vụ án bị đình chỉ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, Điều 46 Pháp lệnh này thì số tiền tạm ứng án phí được sung vào quỹ Nhà nước". Vậy quyết định án phí trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc hoà giải thành được thì giải quyết như thế nào?

Án phí là vấn đề khá phức tạp nên sẽ được quy định cụ thể ở một văn bản riêng như Điều 30 Pháp lệnh đã quy định là "Hội đồng Bộ trưởng phối hợp với Toà án nhân dân tối cao quy định chế độ án phí". Trong Pháp lệnh chỉ mới quy định một số nguyên tắc về án phí. Thí dụ: khoản 4 Điều 31 chỉ nêu nguyên tắc là "nếu việc giải quyết vụ án bị đình chỉ thì số tiền tạm ứng án phí được sung vào quỹ Nhà nước", nhưng chưa xác định rõ về mặt định lượng là sung một phần hay toàn bộ số tiền tạm ứng án phí, và cũng chưa giải quyết trường hợp nếu đương sự chưa nộp một phần hoặc toàn bộ số tiền tạm ứng án phí theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Pháp lệnh thì giải quyết vấn đề án phí như thế nào nếu họ không được miễn án phí... Vì vậy, việc áp dụng các quy định của Pháp lệnh cần được đặt trong mối liên hệ với các quy định và hướng dẫn có liên quan. Hiện nay, trong khi chưa có những quy định mới về chế độ án phí thì các Toà án vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao về cách tính án phí tại Thông tư số 85/TATC ngày 6-8-1982 và về mức thu án phí đã được sửa đổi tại Thông tư số 02/NCPL ngày 28-2-1989.

2. Trong trường hợp người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, mặc dù đã được Toà án thông báo hợp lệ việc phải nộp số tiền đó thì Toà án cấp sơ thẩm có phải chuyển hồ sơ lên Toà án cấp phúc thẩm không? Nếu đương sự nộp đơn kháng cáo trong thời hạn, nhưng nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm quá hạn thì giải quyết như thế nào?

Để thực hiện các quy định tại các Điều 31, 59, 66 của Pháp lệnh, các Toà án cần chú ý là:

Nếu người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, mặc dù đã được Toà án cấp sơ thẩm thông báo hợp lệ số tiền phải nộp, thời hạn nộp và hậu quả của việc không nộp, thì coi như đương sự không kháng cáo và Toà án cấp sơ thẩm không phải chuyển hồ sơ lên Toà án cấp phúc thẩm, nhưng trong hồ sơ phải phản ánh rõ việc thông báo đó.

Nếu đương sự kháng cáo trong thời hạn, nhưng nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm quá hạn thì Toà án cấp sơ thẩm cần điều tra đầy đủ lý do của việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm quá hạn và gửi báo cáo kèm theo hồ sơ vụ án lên Toà án cấp phúc thẩm để Toà án cấp phúc thẩm xét việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo quá hạn.

3. Khi quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời bị khiếu nại hay kiến nghị theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Pháp lệnh thì Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án phải xem xét và trả lời bằng hình thức ra quyết định hay công văn trả lời?

Qua xem xét nếu thấy cần thiết phải sửa đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được thẩm phán quyết định thì Chánh án Toà án ra quyết định; còn nếu thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được thẩm phán quyết định là đúng, thì Chánh án Toà án chỉ cần có công văn trả lời. Quyết định hoặc công văn trả lời của Chánh án Toà án giải quyết việc khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được gửi cho các đương sự có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.

4. Thủ tục giải quyết việc thuận tình ly hôn như thế nào?

Thủ tục hoà giải quy định tại Điều 44 Pháp lệnh được áp dụng cho cả trường hợp giải quyết việc thuận tình ly hôn. Cụ thể là: theo quy định tại Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình thì hoà giải là một thủ tục bắt buộc khi cả hai vợ chồng có đơn xin thuận tình ly hôn. Do đó, nếu Toà án đã hoà giải đoàn tụ nhưng hai bên đương sự vẫn kiên quyết xin ly hôn thì Toà án lập biên bản hoà giải đoàn tụ không thành, sau đó lập biên bản thoả thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn và gửi ngay bản sao biên bản này cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản thoả thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn mà có đương sự thay đổi ý kiến hoặc Viện kiểm sát phản đối việc thuận tình ly hôn đó, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử; nếu trong thời hạn đó không có sự thay đổi ý kiến hoặc phản đối thì Toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về việc thuận tình ly hôn và quyết định này có hiệu lực pháp luật.

5. Điều 45 Pháp lệnh quy định là: “Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án...” vậy ai là người có thẩm quyền ra quyết định đó và nếu quyết định đó bị khiếu nại thì giải quyết như thế nào?

Điều 45 Pháp lệnh đã quy định cụ thể các trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, do đó, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên toà; còn tại phiên toà thì hội đồng xét xử ra quyết định đó.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Pháp lệnh thì quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Toà án cấp phúc thẩm sẽ xét kháng cáo, kháng nghị, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm theo thủ tục quy định tại các Điều 66, 70 Pháp lệnh. Còn quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp phúc thẩm cũng như các quyết định khác của Toà án cấp phúc thẩm đều là chung thẩm có hiệu lực thi hành; nếu có khiếu nại hoặc kháng nghị sẽ được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.

Khi giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án cần lưu ý như sau: vì việc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án không phải là việc chấm dứt việc giải quyết vụ án và sau khi có quyết định tạm đình chỉ nếu thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn nữa thì Toà án lại tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án, cho nên ngay sau khi nhận được kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ, Toà án đã ra quyết định tạm đình chỉ cần kiểm tra lại việc tạm đình chỉ của mình để: nếu cho rằng việc tạm đình chỉ là đúng thì chuyển ngay hồ sơ vụ án lên Toà án cấp trên để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm; còn nếu thấy việc tạm đình chỉ là không đúng hoặc lý do của việc tạm đình chỉ đã hết, thì cần tiến hành ngay việc tiếp tục giải quyết vụ án và báo cho người đã kháng cáo, cho Viện kiểm sát đã kháng nghị biết để rút kháng cáo, kháng nghị nhằm khỏi phải giải quyết việc xem xét kháng cáo, kháng nghị ở Toà án cấp trên theo thủ tục phúc thẩm một cách không cần thiết.

6. Đối với các quyết định công nhận việc hoà giải thành trước khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành mà có kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm có áp dụng thủ tục mới quy định tại các Điều 66, 70 của Pháp lệnh để giải quyết hay không?

Đối với các quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, công nhận việc thuận tình ly hôn trước khi Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có hiệu lực thi hành nếu có kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm không áp dụng thủ tục không mở phiên tòa theo quy định tại các Điều 66, 70 Pháp lệnh, mà vẫn phải mở phiên toà xét xử theo thủ tục đã được Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn trước khi có Pháp lệnh này.

7. Một số Toà án đề nghị giải thích rõ việc thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi theo quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 17 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Theo các điểm b, c khoản 1 Điều 17 Pháp lệnh thì thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu "đã có lần điều tra, hoà giải, xét xử vụ án, trừ các thành viên của Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm", nếu "đã là kiểm sát viên, thư ký Toà án, người giám định, người phiên dịch trong vụ án".

Nên hiểu tinh thần của các quy định trên đây như sau:

- Thẩm phán đã ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm;

- Thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm;

- Thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

- Thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm; không được tham gia xét xử vụ án đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ở một cấp xét xử khác. (Thí dụ: đã tham gia xét xử ở Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh thì không được tham gia xét xử ở Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao; đã tham gia xét xử ở Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao thì không được tham gia xét xử ở Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; đã tham gia xét xử ở Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì không được tham gia xét xử ở Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao; đã tham gia xét xử ở Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao thì không được tham gia xét xử ở Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh), trừ trường hợp các thành viên Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao vẫn tham gia xét xử ở Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Pháp lệnh có quy định là các thành viên của Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng không quy định việc các thành viên Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều này có nghĩa là: nếu Uỷ ban thẩm phán Toà án cấp tỉnh huỷ bỏ bản án sơ thẩm của Toà án cấp huyện và giao vụ án cho Toà án cấp huyện xét xử lại, mà việc xét xử sơ thẩm này lại sai lầm nghiêm trọng thì bản án có sai lầm này (nếu không được sửa chữa theo thủ tục phúc thẩm) sẽ không được sửa chữa theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vì Uỷ ban thẩm phán Toà án cấp tỉnh không có quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cùng một vụ án đó một lần nữa, còn Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao thì cũng không có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án cấp huyện vì theo quy định của khoản 2 Điều 74 và của Điều 81 Pháp lệnh thì Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao chỉ có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Toà án cấp tỉnh. Để tránh tình trạng này, có thể là khi huỷ bán án, quyết định của Toà án cấp huyện theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Toà án cấp tỉnh nên giữ vụ án lại ở Toà án cấp tỉnh để xét xử theo thủ tục sơ thẩm;

[...]