Công văn 1007/BNN-QLCL năm 2014 thực hiện công văn 1553/TTg-KTN do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 1007/BNN-QLCL |
Ngày ban hành | 25/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 25/03/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Vũ Văn Tám |
Lĩnh vực | Thương mại,Bộ máy hành chính |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1007/BNN-QLCL |
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2014 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan
Ngày 14/3/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Văn bản số 19/HHC-VP ngày 13/3/2014 của Hiệp hội Chè Việt Nam phản ánh về việc Chi cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu các doanh nghiệp chè khi làm thủ tục xuất khẩu phải xuất trình Giấy chứng nhận chất lượng trên từng lô hàng (văn bản kèm theo). Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
1. Trong năm 2011, phát hiện có nhiều cơ sở chế biến chè quy mô nhỏ ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã pha trộn các tạp chất như tinh bột hồ hóa, bùn đất trong khi chế biến chè hoặc phơi chè ở nơi không đảm bảo vệ sinh gây mất an toàn thực phẩm. Việc làm trên đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè, gây thiệt hại cho người làm chè, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thị trường xuất khẩu chè và uy tín của ngành chè Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn số 1553/TTg-KTN ngày 06/9/2011 về việc tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè, trong đó yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, một số Bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản xuất chè triển khai ngay một số yêu cầu cụ thể. Công văn yêu cầu: "Bộ Tài chính chỉ đạo ngành hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu, kiểm soát chặt chẽ lượng chè xuất khẩu, chỉ cho phép thông quan khi có xác nhận kết quả kiểm tra chất lượng chè đạt yêu cầu; thông báo với các cơ quan chức năng xử lý chè kém chất lượng theo quy định".
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến chè tại các vùng sản xuất trọng điểm. Theo kết quả kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh chè từ năm 2012 đến nay cho thấy trên 80% cơ sở chế biến chè đã được kiểm tra và đáp ứng yêu cầu đủ điều kiện đảm bảo ATTP.
2. Luật An toàn thực phẩm (Khoản 1 Điều 42) quy định về chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu, cụ thể: "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do, chứng nhận y tế, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hoặc giấy chứng nhận khác có liên quan đối với thực phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu". Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu chè nào về cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm theo từng lô hàng chè nhập khẩu. Hiện nay Bộ chưa có quy định kiểm tra bắt buộc về chất lượng đối với từng lô hàng chè xuất khẩu.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng chè trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính và không áp dụng quy định "kiểm soát chặt chẽ lượng chè xuất khẩu, chỉ cho phép thông quan khi có xác nhận kết quả kiểm tra chất lượng chè đạt yêu cầu" nếu quốc gia nhập khẩu (người mua hàng) không có yêu cầu./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |