Công văn 08/TANDTC-KHTC hướng dẫn quản lý, sử dụng ngân sách chi thường xuyên năm 2022 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 08/TANDTC-KHTC
Ngày ban hành 12/01/2022
Ngày có hiệu lực 12/01/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Du
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/TANDTC-KHTC
V/v hướng dẫn quản lý, sử dụng ngân sách chi thường xuyên năm 2022

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH CHI THƯỜNG XUYÊN NĂM 2022 TRONG HỆ THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 2047/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 2342/QĐ-BTC ngày 07/12/2021 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005; Nghị định số 117 ngày 07 tháng 10 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;

Để việc sử dụng ngân sách nhà nước trong hệ thống Tòa án nhân dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng tính chất nguồn kinh phí, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đảm bảo tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí được giao đối với các đơn vị dự toán thuộc hệ thống Tòa án nhân dân như sau:

A. NỘI DUNG PHÂN BỔ CHI NGÂN SÁCH NĂM 2022

I. KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN

1. Kinh phí chi cho con người đối với cán bộ, công chức

+ Kinh phí chi cho con người bao gồm: Tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng (Áp dụng theo số biên chế có mặt tại thời điểm 01/11/2021; bao gồm cả 40% mức lương hiện hưởng ở trong nước của cán bộ, công chức, người lao động được cử đi học tập, công tác ở nước ngoài theo quy định).

+ Các đơn vị có cán bộ, công chức được tuyển dụng từ sau thời điểm 01/11/2021 làm báo cáo kèm theo Quyết định tuyển dụng gửi về Tòa án nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch-Tài chính) để cấp bổ sung kinh phí.

2. Chi hoạt động thường xuyên theo định mức

2.1. Định mức phân bổ chi thường xuyên

Căn cứ Quyết định số 602/QĐ-TANDTC ngày 31/12/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo của thời kỳ ổn định, trên cơ sở số kinh phí phân bổ của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc phân bổ kinh phí chi thường xuyên năm 2022 cho các đơn vị dự toán trực thuộc theo số biên chế kế hoạch đã cắt giảm 10% theo tinh thần Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cụ thể như sau:

- Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 03 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh: Áp dụng định mức 66 triệu/đồng/biên chế/năm.

- Tòa án nhân dân 03 thành phố trực thuộc trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Tòa án nhân dân các tỉnh có từ 16 huyện trở lên (Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Quảng Nam): Áp dụng định mức 65,5 triệu đồng/biên chế/năm.

- Tòa án nhân dân các tỉnh miền núi (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đắc Lắk, Kon Tum, Đắk Nông): Áp dụng định mức 64,5 triệu đồng/biên chế/năm.

- Tòa án nhân dân các tỉnh còn lại (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau): Áp dụng định mức 63 triệu đồng/biên chế/năm.

- Tòa án nhân dân các huyện đảo (Cô Tô, Phú Quốc, Bạch Long Vỹ, Cát Hải, Phú Quý, Lý Sơn, Côn Đảo); Áp dụng định mức 70 triệu đồng/biên chế/năm.

- Tòa án nhân dân các huyện miền núi dưới 10 biên chế kế hoạch (Biên chế chưa thực hiện cắt giảm theo Kết luận số 17-KL/TW): Áp dụng định mức 67 triệu đồng/biên chế/năm.

- Tòa án nhân dân các huyện miền núi từ 10 biên chế trở lên và huyện đồng bằng dưới 10 biên chế (Biên chế chưa thực hiện cắt giảm theo Kết luận số 17-KL/TW): Áp dụng định mức 58,5 triệu đồng/biên chế/năm.

- Tòa án nhân dân các quận, huyện còn lại: Áp dụng định mức 55,5 triệu đồng/biên chế/năm.

- Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao, Vụ Công tác phía Nam: Áp dụng định mức 115 triệu đồng/biên chế/năm.

2.2. Nội dung chi hoạt động thường xuyên

2.2.1. Chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động cho các đối tượng hợp đồng lao động làm công việc thừa hành, phục vụ theo quy định (Không bao gồm tiền lương cho Lái xe cấp huyện theo Đề án “Trang bị tài sản, phương tiện làm việc của hệ thống Tòa án nhân dân”).

2.2.2. Các khoản chi thường xuyên phục vụ hoạt động bộ máy: Phúc lợi tập thể; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; công tác phí, hội nghị, tổng kết; đoàn ra, đoàn vào; chi tập huấn nghiệp vụ chuyện môn; vật tư văn phòng, thanh toán dịch vụ công cộng; chi hoạt động cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, chi học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chi hỗ trợ hoạt động cho công tác Đảng, đoàn thể, dân quân tự vệ trong cơ quan, chi vận hành trụ sở cơ quan.

[...]