Chương trình hành động 02/CTr-UBND về đẩy mạnh thu, chi ngân sách nhà nước, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 do tỉnh Cà Mau ban hành

Số hiệu 02/CTr-UBND
Ngày ban hành 09/02/2022
Ngày có hiệu lực 09/02/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CTr-UBND

Cà Mau, ngày 09 tháng 02 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

ĐẨY MẠNH THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, THỰC HIỆN VÀ GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 04/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 04/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2022, Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 18/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022. Để chủ động trong việc chỉ đạo đẩy mạnh thu, chi ngân sách nhà nước, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Chương trình hành động với những nội dung như sau:

A. THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị thông qua tổng thu ngân sách Nhà nước là 5.478,7 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa 5.462,70 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 16 tỷ đồng). Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 5.869,90 tỷ đồng, đạt 107,14% dự toán giao, bằng 93,06% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 5.574,16 tỷ đồng, đạt 102,04% dự toán, bằng 88,56% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 295,72 tỷ đồng, bằng 1.848,23% dự toán.

II. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC

Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao tổng thu ngân sách địa phương năm 2022 là 10.640,13 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 4.401 tỷ đồng; bao gồm thu nội địa 4.286 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 115 tỷ đồng. Để đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra mục tiêu, nguyên tắc như sau:

1. Mục tiêu

- Thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 04/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2022; thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 ở mức cao nhất, tạo điều kiện cân đối các nhiệm vụ chi theo dự toán giao đu năm; tăng thu để tạo nguồn cân đối các nhiệm vụ chi phát sinh, nhất là chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tăng chi đầu tư.

- Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 5.115 tỷ đồng, vượt 116,22% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 5.000 tỷ đồng, vượt 16,66% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu 115 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, về tiến độ thu ngân sách theo từng quý cụ thể như sau:

a) Thu nội địa: Hết quý I (31/3/2022) thu đạt 1.100 tỷ đồng, đạt 25,66% dự toán; hết quý II (30/6/2022) thu đạt 2.300 tỷ đồng, đạt 53,66% dự toán; hết quý III (30/9/2022) thu đạt 3.300 tỷ đồng, đạt 76,99% dự toán; hết quý IV (31/12/2022) thu đạt 5.000 tỷ đng, đạt 116,66% dự toán.

b) Thu thuế xuất, nhập khẩu: Cả năm đạt 115 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

2. Nguyên tắc

- Tất cả các nguồn thu, sắc thuế đều được thu đúng, đủ và kịp thời vào ngân sách nhà nước, đặc biệt là các nguồn thu mới phát sinh; cơ cấu nguồn thu hợp lý, nhất là các nguồn thu tính cân đối chi thường xuyên ngân sách nhà nước, tạo điều kiện đảm bảo cân đối chi ngân sách.

- Việc khai thác tăng thu ngân sách phải được thực hiện trên cơ sở tổng hòa các giải pháp; vừa khai thác chống thất thu, vừa hỗ trợ nuôi dưỡng nguồn thu; tập trung vào các lĩnh vực còn tiềm năng.

III. GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

Dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng từng bước đi vào ổn định, phục hồi và tăng trưởng; do đó, nhằm phát huy những điều kiện thuận lợi, tận dụng cơ hội phát triển kinh tế - xã hội và chủ động khắc phục, ứng phó với những thách thức, khó khăn để hướng tới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, các cấp, nhất là ngành Tài chính tập trung một số giải pháp sau:

1. Giải pháp chung

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau:

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2022; bám sát và tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp công tác thuế, các quy trình quản lý, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; phấn đấu quyết liệt để hoàn thành dự toán thu năm 2022 được Bộ Tài chính giao.

- Thực hiện đầy đủ, toàn diện các giải pháp về hỗ trợ người nộp thuế đã được các cấp xây dựng và triển khai thực hiện, giúp người nộp thuế dần vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, tăng trưởng, phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

- Chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc, ổn định sản xuất kinh doanh.

- Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Kịp thời đề xuất các phương án chỉ đạo, điều hành thu phù hợp, hiệu quả, tập trung một số nguồn thu lớn như: thuế phát sinh từ Cụm Dự án Khí - Điện - Đạm, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế bảo vệ môi trường, xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất...

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, đặc biệt là giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử, phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng về hóa đơn điện tử, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất phục vụ việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ ngày 01/7/2022.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý kê khai thuế đối với người nộp thuế, đảm bảo 100% các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều được đưa vào diện quản lý và kê khai nộp thuế. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp trốn lậu thuế; tập trung kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, chứng từ khi mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; kiểm tra các đối tượng có hoạt động giao dịch liên kết, các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

- Tập trung triển khai có hiệu quả công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật; số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2022 giảm so với thời điểm 31/12/2021; đẩy mạnh thực hiện công khai thông tin người nộp không nộp tiền thuế đúng hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cấp cơ quan thuế và mỗi cá nhân trong xử lý công việc, tạo bước chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành. Đổi mới phương pháp làm việc, củng cố, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

[...]