Chương trình 63/CTr-UBND về Xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022

Số hiệu 63/CTr-UBND
Ngày ban hành 21/02/2022
Ngày có hiệu lực 21/02/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Quý Phương
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/CTr-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 21 tháng 02 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2022

Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Kế hoạch số 60/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 28/02/2020 về việc triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Công văn số 3013/BKHĐT-ĐTNN ngày 20/5/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022;

Căn cứ Công văn số 6479/BKHĐT-ĐTNN ngày 24/9/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Thừa Thiên Huế;

Trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2022 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. Thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư

1. Kết quả đạt được

- Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua luôn được sự quan tâm, chỉ đạo thống nhất từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. Môi trường đầu tư của tỉnh từng bước được cải thiện theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều được UBND tỉnh ban hành danh mục kêu gọi đầu tư và thông tin chi tiết dự án kèm theo.

- Kế thừa những thành quả đã đạt được trong năm 2020, năm 2021 đánh dấu một năm quan trọng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư khi tỉnh nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến tình hình thu hút dự án đầu tư cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường và đăng ký đầu tư giảm mạnh do việc đi lại hạn chế bởi dịch bệnh.

- Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương cũng như các nhà đầu tư, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành chấp thuận chủ trương đầu tư cho 47 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng gần 20.000 tỷ đồng, trong đó chấp thuận 32 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 14.500 tỷ đồng. Đối với các dự án FDI, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 04 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 169,1 triệu USD (tương đương 3,873 nghìn tỷ đồng), cụ thể: dự án Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung Thừa Thiên Huế (Thành phố truyền thông thông minh) thuộc Khu B - Đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế của Liên danh Công ty TNHH SMC Huế (SMC Hue) - Korea Land and Housing Corporation (LH) tổng vốn đầu tư là 151 triệu USD (tương đương 3.458 tỷ đồng); dự án sản xuất máy biến dòng (Trung Quốc) tổng vốn đầu tư 7,5 triệu USD (tương đương 173 tỷ đồng); dự án Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn mở rộng của dự án Kanglongda Huế của Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ Kanglongda Việt Nam tổng vốn đầu tư 7,1 triệu USD (tương đương 160 tỷ đồng); Dự án Nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Phát triển HK Gold Land và Ông Huang Qianshui (Hồng Kông, Trung Quốc) tổng vốn đầu tư 3,5 triệu USD (tương đương 82 tỷ đồng).

2. Những hạn chế, bất cập: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2021 vẫn còn những khó khăn, hạn chế sau:

- Ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không về được Việt Nam, gây khó khăn trong việc triển khai các công việc có liên quan đến dự án đầu tư. Nguồn vốn đầu tư theo đó cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.

- Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm; sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn chậm và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư và tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

- Trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tỉnh trong việc tham mưu xây dựng quy hoạch phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và quản lý ngành, lĩnh vực còn chưa cao, chưa có sự quan tâm phối hợp trong các khâu từ xây dựng đến triển khai thực hiện quy hoạch.

- Việc xây dựng kế hoạch theo dõi, kiểm tra giám sát tiến độ triển khai, thực hiện dự án của các cấp, các ngành còn lỏng lẻo, chưa nắm bắt được những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai sau dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, làm ảnh hưởng phần nào đến việc giải quyết các thủ tục hỗ trợ nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án.

- Khó khăn vướng mắc lớn nhất trong quá trình xúc tiến đầu tư thời gian vừa qua là việc không sẵn sàng và đồng bộ về các vấn đề liên quan đến quy hoạch đối với các vị trí kêu gọi đầu tư, cụ thể như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch 03 loại rừng,... Một khu đất bị điều chỉnh bởi các quy hoạch khác nhau, tuy nhiên, các quy hoạch này lại không thống nhất về mục đích sử dụng, chỉ tiêu quy hoạch. Để đảm bảo các dự án sẵn sàng kêu gọi về đầu tư, khu đất phải phù hợp quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Việc này yêu cầu phải tổ chức thực hiện khảo sát, lập mới/điều chỉnh các quy hoạch liên quan. Vì vậy, cần phối hợp của nhiều ngành làm quá trình nghiên cứu đầu tư dự án kéo dài, mất cơ hội kêu gọi đầu tư của tỉnh.

- Vướng mắc về quy hoạch xây dựng: nhiều khu vực kêu gọi đầu tư chưa có Quy hoạch xây dựng. Việc lập quy hoạch xây dựng cho khu vực kêu gọi đầu tư kéo dài ảnh hưởng tiến độ cấp phép đầu tư.

- Vướng mắc về khung pháp lý với các dự án: nhiều văn bản pháp quy mới ra đời gây khó khăn khi áp dụng vào thực tế, ví dụ việc giao đất, cho thuê đất theo Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020: Trước đây theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, đối với các dự án thuộc địa bàn ưu đãi hoặc lĩnh vực ưu đãi thì dự án không thuộc diện tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 148/2020/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực, các dự án trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn đối với các dự án chưa được giao đất, cho thuê khi áp dụng quy định tại Nghị định này, cụ thể, các dự án thương mại dịch vụ đã được cấp có nguồn gốc đất là đất hỗn hợp, trong đó có phần đất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức; có phần đất do nhà nước đang quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Đất đai (đất công).

- Vướng mắc, khó khăn trong việc xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) theo Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT: Việc xác định giá đất dự kiến của khu đất thực hiện dự án đã có tính đến lợi thế khu đất, giá thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng (theo Quy định tại Điều 112 Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất). Tuy nhiên, theo ví dụ tại phụ lục V, Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT, khi xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) lại tính chênh lệch giá trị đấu giá thành công của các khu đất, quỹ đất tham chiếu trên địa bàn hành chính cấp huyện (bao gồm các quỹ đất, lô đất nhỏ lẻ, xen ghép...) sẽ làm tăng giá trị m3 lên rất cao, thậm chí cao hơn giá trị thu tiền sử dụng đất dự kiến, làm giảm sức thu hút đầu tư.

II. Nội dung Chương trình XTĐT của tỉnh Thừa Thiên Huế

1. Định hướng, mục tiêu

- Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trên địa bàn, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển sản xuất và dịch vụ; giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của các tầng lớp nhân dân; giảm nghèo bền vững.

- Đẩy mạnh thủ tục cải cách hành chính hỗ trợ nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ; coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Xác định doanh nghiệp là đối tượng phục vụ và làm tốt công tác định hướng, hỗ trợ và ổn định chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh địa phương, thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư gắn với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chú trọng lựa chọn, thu hút một số nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để làm động lực kích thích phát triển lan tỏa kinh tế - xã hội.

[...]