Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chương trình 179/CTr-UBND năm 2014 về Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; thực hiện Nghị quyết 31/NQ-CP và Chương trình 99-CTr/TU triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 179/CTr-UBND
Ngày ban hành 20/10/2014
Ngày có hiệu lực 20/10/2014
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Đàm Văn Bông
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/CTr-UBND

Hà Giang, ngày 20 tháng 10 năm 2014

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

HỘI NHẬP QUỐC TẾ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030; THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 31/NQ-CP NGÀY 13/5/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH SỐ 99-CTR/TU NGÀY 01/4/2014 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 22-NQ/TW NGÀY 10/4/2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế;

Căn cứ Chương trình hành động số 99-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế;

Trên cơ sở thực hiện và dự báo tình hình thực tiễn triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang xây dựng Chương trình hành động Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai kịp thời, thống nhất, đồng bộ các Nghị quyết, Chương trình về hội nhập quốc tế của Trung ương đã ban hành nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 99-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Chương trình 99-CTr/TU) và Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ;

b) Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục tiêu, quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế; tạo sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao;

c) Xác định nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Xác định nội dung công việc, lộ trình cụ thể, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Hội nhập quốc tế;

b) Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 99-CTr/TU và các Nghị quyết, Chương trình về Hội nhập quốc tế nhằm đạt các mục tiêu về hội nhập quốc tế đã đề ra, kết hợp hài hòa với nội dung các bộ, ngành Trung ương triển khai đến tỉnh.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Thông tin, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết về Hội nhập quốc tế

a) Triển khai đồng bộ, đầy đủ, nghiêm túc tinh thần Hội nhập quốc tế được các cấp Trung ương, địa phương ban hành, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW; Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới; Chương trình số 99-CTr/TU, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về hội nhập quốc tế, nhất là các cơ hội và thách thức của hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực đến các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức Đảng các cấp, các doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng.

b) In ấn, phát hành tài liệu, cung cấp thông tin quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và thành tựu phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang trên các kênh truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng như: Các bản tin, tạp chí, báo điện tử và các kênh truyền hình của địa phương, trong đó có tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài phù hợp với chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” đến các đối tác, cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt và thông tin kịp thời cho các cơ quan liên quan trong và ngoài tỉnh;

c) Quản lý chặt chẽ đúng quy định thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài tại địa phương, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội; đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của tỉnh;

d) Chủ động, thông tin kịp thời về những vấn đề trong nước và quốc tế được dư luận quan tâm như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và tình hình bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước... đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống các biểu hiện “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch;

đ) Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền thông qua các hoạt động tư vấn, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện hội nhập theo hướng chuyên sâu, cụ thể phù hợp với từng đối tượng và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục triển khai tuyên truyền phổ biến những kiến thức có liên quan đến hội nhập quốc tế cho đối tượng là cán bộ công chức, viên chức các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực hội nhập quốc tế

a) Thành lập BCĐ Hội nhập quốc tế của tỉnh; xây dựng cơ chế chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, phối hợp trong triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế của tỉnh, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với lộ trình và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, yêu cầu hội nhập của tỉnh;

b) Xây dựng kế hoạch chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nội dung, lĩnh vực, điều kiện lợi thế của tỉnh để phát huy, tập trung, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để thu hút đầu tư, đảm bảo lợi ích quốc gia, phù hợp với tỉnh;

c) Rà soát toàn bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, lao động, đầu tư, xuất nhập khẩu, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khai thác bền vững và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như liên kết vùng trong phát triển;

d) Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; từng bước bố trí, sắp xếp để mỗi huyện, thành phố và các ngành đặc thù có ít nhất 01 cán bộ chuyên trách làm công tác ngoại vụ. Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, chuyên môn liên quan trực tiếp và gián tiếp tới hội nhập quốc tế của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh. Tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo trong nước và quốc tế về chuyên môn, ngoại ngữ. Nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo để chủ động ứng phó với thời cơ, thách thức và tận dụng cơ hội thuận lợi từ hội nhập quốc tế đối với sự phát triển của tỉnh và quốc gia;

e) Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu tri thức, đặc biệt là tri thức về quản lý và khoa học công nghệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; tăng cường năng lực về công nghệ thông tin;

f) Thu hút nguồn lực và sự hỗ trợ của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các dự án phát triển khoa học kỹ thuật, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao;

[...]