Nghị quyết 31/NQ-CP năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế do Chính phủ ban hành

Số hiệu 31/NQ-CP
Ngày ban hành 13/05/2014
Ngày có hiệu lực 13/05/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/NQ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 22-NQ/TW NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 22-NQ/TW NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

Ngày 10 tháng 4 năm 2013, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế (sau đây gọi là Nghị quyết 22). Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa đường lối đối ngoại và chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Nghị quyết 22 khẳng định chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã chỉ rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng chủ yếu để triển khai công tác hội nhập quốc tế toàn diện trong thời gian tới.

Thực hiện sự phân công Bộ Chính trị, Chương trình hành động này được Ban Cán sự Đảng Chính phủ thông qua và Chính phủ ban hành với mục tiêu tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 22. Chương trình hành động này sẽ xác định các nội dung công việc cụ thể, lộ trình, thời gian thực hiện mà các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

II. NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc sau đây:

1. Thông tin, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết

a) Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng nội dung của Nghị quyết 22, các yêu cầu hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, phương hướng, nhiệm vụ trọng yếu của hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực đến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức Đảng các cấp, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

b) Đẩy mạnh nâng cao nhận thức về các cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó có các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới, nhất là đối với các địa phương, các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề.

c) Tuyên truyền rộng rãi chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” đến các đối tác, cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt và thông báo kịp thời dư luận cho các cơ quan liên quan trong nước. Tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thông tin về Việt Nam tới các nước trên thế giới. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020.

2. Xây dựng thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế

a) Xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng đổi mới thể chế, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

b) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy theo hướng tăng cường rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật không phù hợp với các cam kết quốc tế, nội luật hóa các cam kết quốc tế, ban hành các quy định mới đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Xây dựng và triển khai kế hoạch đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế mới; đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết quốc tế.

c) Kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, kiểm tra, giám sát các hoạt động hội nhập quốc tế hiệu quả, thống nhất, nhịp nhàng giữa các ngành, các lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương.

[...]