Chương trình 14/CTr-UBND triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 14/CTr-UBND
Ngày ban hành 20/01/2022
Ngày có hiệu lực 20/01/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Võ Trọng Hải
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CTr-UBND

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 01 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm tập trung triển khai các Nghị quyết, chính sách giai đoạn 2021-2025. Bối cảnh năm 2022 có những yếu tố thuận lợi như xu hướng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, kinh nghiệm và năng lực ứng phó dịch COVID-19 trong nước và trong tỉnh được nâng lên, sự phục hồi các đối tác quốc tế quan trọng của Việt Nam là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho việc khôi phục khu vực dịch vụ, đầu tư công là yếu tố tích cực đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, còn những khó khăn, thách thức như dự báo tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn có thể kéo dài; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu toàn cầu, dịch bệnh... Trong tỉnh, các yếu tố mới chưa thực sự tạo ra động lực tăng trưởng rõ rệt cho nền kinh tế; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh hạn chế; thiên tai, thời tiết khó lường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn có yếu tố phức tạp, nguy cơ gây mất ổn định.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022; Chương trình công tác trọng tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2022 và các Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Chương trình triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với các nội dung chính sau đây:

Phần thứ nhất

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2022

1. Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã

a) Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương: chủ động tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân đảm bảo an toàn. Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, các đội phản ứng nhanh, tổ hỗ trợ điều trị COVID-19 và tổ COVID-19 cộng đồng.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương:

- Chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai kịp thời Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác giải phóng mặt bằng; chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi giải quyết thủ tục chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; tham mưu UBND tỉnh thu hồi các dự án chậm tiến độ kéo dài, đặc biệt là các dự án đã được giao đất nhưng không triển khai theo tiến độ cam kết.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, tham mưu phương án tổ chức thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh về Đề án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng theo đúng quy định.

- Xây dựng Đề án huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2025.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư), UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ:

- Đi mới nội dung và hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp, linh hoạt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp; về phát triển khu kinh tế Vũng Áng.

2. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp; cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phục hồi, phát triển thương mại, dịch vụ

a) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương:

- Tham mưu báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; rà soát, tham mưu chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 (tích hợp chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh và chính sách thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh).

- Tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp sau thép, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường. Theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát các vấn đề liên quan công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan thường xuyên nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án triển khai trên địa bàn như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy sản xuất Pin VINES, Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh, các dự án điện mặt trời, điện gió, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch của tỉnh.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương: Chỉ đạo sản xuất Vụ Xuân, Hè Thu năm 2022 đảm bảo về diện tích, năng suất, sản lượng. Tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh phát sinh, không để tái phát lây lan ra diện rộng; quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ thú y cơ sở. Tăng cường quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 06/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Chủ động nắm chắc diễn biến, triển khai hiệu quả các phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai.

d) Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ: Tập trung cao thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025”; phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả; quan tâm các vấn đề môi trường, nhất là nước sạch, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, công trình vệ sinh hộ gia đình; thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

đ) Sở Công Thương, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chủ động theo dõi, dự báo tình hình thị trường, biến động cung cầu hàng hóa. Tham mưu xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng. Đẩy mạnh thực hiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

e) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương: Kịp thời triển khai các hoạt động phục hồi, phát triển ngành du lịch thích ứng với tình hình mới, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch hoạt động trở lại. Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ thủ tục sớm đầu tư các Tổ hợp dự án nghỉ dưỡng và sân golf Thịnh Lộc, Kỳ Nam, Kỳ Ninh; Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam; Khu đô thị và tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Thiên Cầm...

3. Quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng

a) Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước tỉnh: Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách ngay từ đầu năm; phấn đấu thu đạt và vượt dự toán. Tổ chức điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; chủ động điều hành ngân sách phù hợp với tiến độ thu.

b) Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư dự án: Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 để tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện dự án.

c) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh: Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về hoạt động ngân hàng, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Giám sát chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

[...]