Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 41/2021/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 41/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/12/2021
Ngày có hiệu lực 21/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Lê Trường Lưu
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2021/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 11 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022;

Xét Tờ trình và Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tập trung thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc xin nhằm bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Tập trung đẩy mạnh các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tiến tới xây dựng nền kinh tế số. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất; hạ tầng phát triển du lịch, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng...nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Chú trọng phát triển văn hoá, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Điều 2. Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Tốc độ tăng trưởng GRDP: 6,5 - 7,5%.

2. GRDP bình quân đầu người: 2.350 - 2.400 USD; năng suất lao động xã hội tăng 6 - 8%.

3. Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 46 - 47%; công nghiệp - xây dựng 34 - 35%; nông nghiệp 10,5 - 11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8,5 - 9%.

4. Vốn đầu tư toàn xã hội 28.000 - 28.500 tỷ đồng, tăng 10 - 12%.

5. Thu ngân sách 6.861 tỷ đồng, phấn đấu vượt kế hoạch.

6. Kim ngạch xuất khẩu 1.130 triệu USD, tăng 10 - 12%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%.

8. Có 13 - 14 bác sỹ/vạn dân; 58 - 60 giường bệnh/vạn dân.

9. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 98%.

10. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,0 - 1,5%.

11. Có thêm 3 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 - 8 xã nông thôn mới nâng cao, 1 - 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

12. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch: 96%.

13. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 30 - 40%; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: 92 - 93%.

14. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định: 57 - 57,5%.

Điều 3. Các chương trình và dự án trọng điểm

1. Chương trình phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế).

2. Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp.

3. Chương trình phát triển văn hoá, du lịch - dịch vụ.

[...]