Chỉ thị 52/2004/CT-BNN-KH về Xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2006-2010 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 52/2004/CT-BNN-KH
Ngày ban hành 21/10/2004
Ngày có hiệu lực 24/11/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52/2004/CT-BNN-KH

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP,NÔNG THÔN 5 NĂM 2006-2010

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Thực hiện Chỉ Thị của Thủ tướng Chính phủ số 33/2004/CT-TTg ngày 23 tháng 09 năm 2004 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, để xây dựng tốt kế hoạch phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn 5 năm tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quán triệt một số vấn đề sau :

I. YÊU CẦU ĐỐI VỚI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN 5 NĂM 2006-2010

Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2006 – 2010 cần đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và toàn diện, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẹ về nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa xã hội cho nông dân, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Do vậy, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc Bộ cần :

1. Trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, xu thế phát triển khoa học công nghệ tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, kinh tế nông thôn tỉnh, thành phố, quy hoạch phát triển ngành hàng và các sản phẩm chủ lực đối với các Tổng công ty, Công ty. Các quy hoạch phát triển phải xác định các mục tiêu cho giai đoạn 5 năm 2006-2010, nhưng phải có tầm nhìn xa hơn đến năm 2015, 2020.

2. Mục tiêu của kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2006-2010 của địa phương và các Tổng công ty, Công ty phải dựa trên Chiến lược phát triển ngành, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và Chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi, phát triển nông thôn đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải đảm bảo đầy đủ các cam kết đã thỏa thuận với các tổ chức quốc tế.

3. Kế hoạch phải đảm bảo thực hiện yêu cầu - Thực hiện các cam kết của nước ta trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), bắt đầu thực hiện các cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), các hiệp định song phương nâng cao khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp, đảm bảo khai thác có hiệu quả cơ hội và đối phó với các thách thức mới đặt ra.

4. Kế hoạch 5 năm phải đặc biệt quan tâm việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật làm cơ sở nâng cao nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh bao gồm cả công nghệ cao trong tất cả các khâu từ sản xuất nông lâm nghiệp tới bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

5. Kế hoạch 5 năm phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nông lâm nghiệp, trong đó chú ý hơn tới đầu tư hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực, tiếp tục phát triển thủy lợi, giao thông nông thôn, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, phát triển các hệ thống cấp thoát nước nông thôn. Trong phát triển thủy lợi hướng tới phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đa dạng trên mỗi địa bàn.

6. Kế hoạch 5 năm phải tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ, Cục chuyển mạnh sang thực hiện đầy đủ hơn các chức năng quản lý Nhà nước trong cơ chế quản lý kinh tế mới, tăng cường phân công, phân cấp, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch.

II. VỀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH NÔNG LÂM NGHIỆP, NÔNG THÔN 5 NĂM 2006-2010

Nội dung kế hoạch nông lâm nghiệp, nông thôn 5 năm 2006-2010, cần chú trọng các vấn đề sau :

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp, nông thôn 5 năm 2001-2005 :

Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch 3 năm 2001-2003, ước thực hiện năm 2004 và dự kiến kế hoạch năm 2005, các địa phương và đơn vị tiến hành đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001-2005, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau :

1.1. Đánh giá tình hình thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

- Đánh giá tình hình và kết quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nêu rõ sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành và sản phẩm. Đánh giá sự phát triển về số lượng (diện tích, quy mô, tốc độ phát triển từng ngành hàng), phân tích đánh giá về chất lượng tăng trưởng; năng suất, chất lượng hàng hóa, giá thành, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đánh giá kết quả phong trào xây dựng nhiều cánh đồng, trang trại, hộ nông dân đạt và vượt giá trị sản lượng 50 triệu đồng/ha/năm.

- Đánh giá tình hình phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn.

- Đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, tình hình phát triển lâm nghiệp.

- Đánh giá tình hình phát triển nghề muối.

- Đánh giá tình hình kinh doanh nông lâm sản, nhất là xuất, nhập khẩu.

1.2. Đánh giá tình hình phát triển thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai.

- Tình hình đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, tình hình quản lý các hệ thống thủy lợi.

- Tình hình đầu tư, tu bổ, nâng cấp các hệ thống đê điều, quản lý đê điều.

- Tình hình thiên tai và kết quả phòng chống.

1.3. Đánh giá tình hình phát triển nông thôn.

- Đánh giá tình hình thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân : chương trình 143, 135, định canh định cư, di dân kinh tế mới…

[...]