Chỉ thị 487/TTg năm 1996 về tăng cường quản lý Nhà nước đối với tài nguyên Nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 487/TTg |
Ngày ban hành | 30/07/1996 |
Ngày có hiệu lực | 14/08/1996 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Trần Đức Lương |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 487/TTg |
Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI NGUYÊN NƯỚC
Việc tăng trưởng kinh tế cùng với quá trình đô thị hoá và sự gia tăng dân số, đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.
Do việc khai thác nước thiếu quy hoạch, sử dụng nước lãng phí, cùng với việc thải các chất độc hại bừa bãi đã làm cho nguồn nước (kể cả nguồn nước ngầm) bị suy giảm, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung.
Nguyên nhân của tình hình trên là do thiếu những biện pháp có hiệu quả và đồng bộ trong quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; việc quản lý tài nguyên nước hiện nay còn rất phân tán, chồng chéo; công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm nguồn nước còn chưa thường xuyên và kém hiệu quả; chính quyền địa phương các cấp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước, chưa có các biện pháp tích cực, mạnh mẽ; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương về vấn đề này thiếu chặt chẽ.
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước (trừ nước khoáng, nước nóng thiên nhiên) trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và phòng chống ô nhiễm nguồn nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp theo chức năng và trách nhiệm quản lý của mình phải thực hiện tốt một số công việc sau:
1. Có biện pháp xử lý và chấn chỉnh ngay việc quản lý khai thác, sử dụng nước tuỳ tiện nói trên; khẩn trương tổ chức quản lý thống nhất việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước (trừ nước khoáng, nước nóng thiên nhiên), ngăn ngừa tổn thất, phòng chống ô nhiễm các nguồn nước, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng, cải tạo hệ thống công trình tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung.
2. Việc khai thác, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước và phòng, chống ô nhiễm nước phải chú ý các vấn đề sau đây:
- Đảm bảo tính hệ thống của các nguồn nước trong vùng hoặc trong lưu vực sông, không được chia cắt theo địa giới hành chính.
- Phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn nước theo quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, kết hợp với bảo vệ nguồn nước và môi trường.
- Sử dụng nước cho nông nghiệp hoặc để cải tạo đất phải tiết kiệm, ngăn ngừa gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường do việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và hoá chất khác.
- Sử dụng nước cho công nghiệp phải tuân theo các quy định về cấp nước, nghiên cứu, áp dụng các biện pháp dùng nước tuần hoàn cũng như các biện pháp tiên tiến khác nhằm tiết kiệm nước, giảm lượng chất thải, giảm mức ô nhiễm nguồn nước tới giới hạn cho phép.
- Không được làm ô nhiễm nguồn nước khi khai thác, sử dụng nước để phục vụ giao thông thuỷ, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch, nghỉ ngơi giải trí, chữa bệnh an dưỡng, thể thao, nghiên cứu khoa học v.v...
- Việc tiêu thoát nước cho các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung không được gây ô nhiễm nguồn nước quá mức quy định. Nước dùng cho sinh hoạt của nhân dân phải có vùng bảo hộ vệ sinh theo quy định cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền.
- Các tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác, sử dụng nước ngầm phải có giấy phép hành nghề và phải thực hiện các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước quy định.
3. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
- Xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên nước trình Chính phủ trong năm 1996, đồng thời đẩy mạnh việc soạn thảo dự Luật về nước.
- Xây dựng mô hình tổ chức quản lý thống nhất tài nguyên nước theo lưu vực, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương, bảo đảm quản lý theo ngành, kết hợp với vùng, lãnh thổ.
- Tổ chức điều tra, khảo sát tài nguyên nước theo lưu vực, đánh giá tổng hợp tiềm năng tài nguyên nước trong phạm vi cả nước.
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Lập ngân hàng dữ liệu về tài nguyên nước theo lưu vực, khu vực, lãnh thổ và quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chuẩn, định mức, quy trình, quy phạm về khai thác, sử dụng nước, phòng chống ô nhiễm môi trường nước.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện những quy định trên, trước mắt cần chú ý những khu vực trọng điểm đang có vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường nước, khai thác sử dụng không hợp lý gây cạn kiệt nguồn nước, không bảo đảm an toàn cho công trình thuỷ lợi.
4. Bộ Công nghiệp: Thực hiện việc điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên nước dưới đất theo kế hoạch Nhà nước, tổ chức mạng lưới công trình quan trắc động thái nước dưới đất; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
5. Các Bộ: Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và xã hội, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thuỷ sản, Công nghiệp, Tổng cục Địa chính, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn... phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng các thông tư liên Bộ hướng dẫn công tác quản lý tài nguyên nước; kiểm tra, chỉ đạo và phối hợp với các địa phương xử lý các vi phạm, gây hậu quả xấu đến tài nguyên nước.
6. Các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tổ chức điều tra thống kê, đánh giá hiện trạng tình hình khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ở địa phương theo hướng dẫn và phân cấp của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên nước. Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ở địa phương.
7. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trọng của tài nguyên nước, về các biện pháp, kinh nghiệm khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước, phòng chống ô nhiễm nguồn nước và các tác hại do không bảo vệ nguồn nước.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
|
Trần Đức Lương (Đã ký) |