Chỉ thị 379-TTg năm 1978 về việc chuẩn bị cho tổng điều tra dân số cả nước năm 1979 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 379-TTg
Ngày ban hành 21/07/1978
Ngày có hiệu lực 05/08/1978
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 379-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 1978 

 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHUẨN BỊ CHO TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ CẢ NƯỚC NĂM 1979

Dân số và lao động là những căn cứ quan trọng nhất để xây dựng kế hoạch kinh tế quốc dân và phân bố lao động, sử dụng hết khả năng lao động trong cả nước.

Ta đã tiến hành điều tra dân số ngày 01 tháng 4 năm 1974 ở các tỉnh miền Bắc và ngày 05 tháng 02 năm 1976 ở các tỉnh miền Nam. Song, mục đích và chỉ tiêu của hai cuộc điều tra khác nhau, thời điểm điều tra lại cách xa nhau nên số liệu tổng hợp được không thoả mãn  yêu cầu của công tác kế hoạch hoá và quy hoạch phân bố lao động. Mặt khác, từ khi miền Nam được giải phóng đến nay đã có sự chuyển dịch dân số đáng kể; việc hợp nhất tỉnh, huyện cũng đã làm cho dân số từng đơn vị hành chính thay đổi nhiều.

Theo đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 14 tháng 5 năm 1978 đã quyết định tiến hành tổng điều tra dân số cả nước vào ngày 01 tháng 4 năm 1979.

Đây là một cuộc điều tra lớn, phức tạp nên cần chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để bảo đảm hoàn thành thắng lợi. Các cấp, các ngành cần xúc tiến ngay những công việc sau đây:

1. Tổng cục Thống kê với danh nghĩa thường trực Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số trung ương có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch tiến hành tổng điều tra dân số, ban hành các văn bản quy định cụ thể về nghiệp vụ điều tra và hướng dẫn các ngành, các địa phương thực hiện. Cần điều tra thử ở một địa phương để đào tạo cán bộ chỉ đạo điều tra dân số cho các tỉnh đồng thời để rút kinh nghiệm hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn trước khi ban hành chính thức.

- Lập kế hoạch dự trù kinh phí với Bộ Tài chính; lập kế hoạch dự trù in với Bộ Văn hoá có kế hoạch cung cấp giấy in và tài liệu; lập dự trù lương thực và các vật tư cần thiết (xăng, dầu, phương tiện…) với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan để phục vụ yêu cầu của công tác điều tra dân số.

2. Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng cục Thống kê tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh toàn diện các công tác đăng ký quản lý hộ tịch, hộ khẩu và thống kê dân số nhằm phục vụ cho tăng cường các mặt công tác quản lý của Nhà nước, đồng thời phản ánh được đúng đắn nhân khẩu thường trú từng đơn vị hành chính của các địa phương, góp phần tích cực cho việc chuẩn bị tổng điều tra dân số.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố có trách nhiệm tổ chức điều tra và xác định rõ ranh giới lãnh thổ hành chính các cấp tỉnh, huyện, xã ở những nơi chưa rõ ràng, đặc biệt chú ý tới các công trường, lâm trường, xí nghiệp, … mà diện tích đất đai có quan hệ tới nhiều xã, huyện, tỉnh và các nơi có những điểm dân cư lẻ chưa được xác định thuộc đơn vị hành chính cơ sở nào quản lý.

Ở một số thành phố, thị xã hiện nay, có hiện tượng đánh số nhà tuỳ tiện, trùng chéo hoặc có nhà mà không có số; trong một thành phố có những đường phố khác nhau nhưng mang cùng một tên gọi, có đường phố lại chưa có tên. Tình trạng này cũng cần được khắc phục trước khi tiến hành điều tra dân số.

Cần tiến hành lập các danh mục, các điểm dân cư ở nông thôn, các đường phố ở thành thị có kèm theo sơ đồ và các bản thống kê các hộ và nhân khẩu, đề phòng tình trạng bỏ sót ghi trùng nhân khẩu khi điều tra và để làm cơ sở bố trí mạng lưới cán bộ điều tra.

4. Bộ Giáo dục cùng với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp nghiên cứu xây dựng danh mục hệ thống hoá các trình độ văn hoá, các tiêu chuẩn phân định các trình độ văn hóa thống nhất để sử dụng trong điều tra dân số.

5. Tổng cục Bưu điện bảo đảm yêu cầu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời trong quá trình tiến hành tổng điều tra dân số.

Tổng cục Thống kê, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Văn hóa, Bộ Vật tư, Bộ Lương thực và thực phẩm, Tổng cục Bưu điện, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thi hành khẩn trương và đầy đủ các công tác chuẩn bị trên đây để bảo đảm cho cuộc tổng điều tra dân số được tiến hành tốt và đúng thời điểm đã được Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG


 

 

Phạm Hùng