Chỉ thị 37/2001/CT-UB thực hiện Nghị định 93/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 37/2001/CT-UB
Ngày ban hành 25/12/2001
Ngày có hiệu lực 04/01/2002
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2001/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 12 năm 2001 

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 93/2001/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ PHÂN CẤP QUẢN LÝ MỘT SỐ LĨNH VỰC CHO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 12 tháng 12 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ ban hành Nghị định này là nguồn động viên to lớn đối với các cấp, các ngành và nhân dân thành phố, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung phân cấp theo Nghị định bao gồm bốn lĩnh vực : Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội ; quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý ngân sách Nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.

Nhằm triển khai thực hiện tốt các nội dung đã được Chính phủ phân cấp cho Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị Thủ trưởng các sở - ngành thành phố những nhiệm vụ cụ thể sau đây :

I. NỘI DUNG THỰC HIỆN :

1. Các sở - ngành thành phố theo từng lĩnh vực quản lý Nhà nước chuyên ngành và theo nội dung phân công, tiến hành rà soát ngay các quy định hiện hành đang thực hiện trên địa bàn thành phố, đối chiếu với nội dung các điều khoản tương ứng trong Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 93) để đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, hoàn thiện hoặc quy định mới.

1.1. Đối với các quy định có nội dung không phù hợp, nghiên cứu soạn thảo lại các quy định, quy trình, thủ tục quản lý mới theo đúng nội dung của Nghị định, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân thông qua trước khi ban hành.

1.2. Đối với các quy định mới, các sở - ngành thành phố soạn thảo nội dung quản lý và đề xuất biện pháp tổ chức thực hiện.

2. Trong quá trình rà soát các văn bản quy định hiện hành, các sở - ngành thành phố tiếp tục phát hiện đề xuất các quy định mới, không thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, nhưng cần thiết nhằm triển khai đồng bộ các chính sách quản lý mới, để Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

II. PHÂN CÔNG CỤ THỂ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN :

1. Kiến trúc sư trưởng thành phố chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại các Điều 4, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định : Quản lý quy hoạch, kiến trúc, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng; giữa tháng 3 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại các Điều 5 và Điều 6 của Nghị định : Quản lý đầu tư và đấu thầu ; đầu tháng tháng 02 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Sở Giao thông công chánh triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại khoản 1, Điều 8 và Điều 15 của Nghị định : Dịch vụ công ích đô thị và quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật ; đầu tháng 02 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Sở địa chính-Nhà đất chịu trách nhiệm triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại các Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định : Quản lý nhà, đất; xác định khung giá đất ; đầu tháng 3 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

5. Sở Tài chính-Vật giá chịu trách nhiệm triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại các Điều 17 và Điều 19 của Nghị định : Quản lý thu, chi ngân sách ; cuối tháng 02 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

6. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại Điều 7 : Sắp xếp và tổ chức lại doanh nghiệp Nhà nước ; cuối tháng 01 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

7. Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại khoản 2, Điều 8 và Điều 16 của Nghị định : Xã hội hóa lĩnh vực khoa học - công nghệ và quản lý, bảo vệ môi trường ; đầu tháng 3 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Thể dục - Thể thao, trong lĩnh vực phụ trách, triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại các khoản 2 và khoản 3, Điều 8 của Nghị định : Xã hội hóa các dịch vụ thuộc hạ tầng xã hội ; cuối tháng 02 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

9. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Công an thành phố chịu trách nhiệm triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại khoản 1 và khoản 3, Điều 9 của Nghị định : Quản lý dân cư và lao động ; đầu tháng 3 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

10. Viện Kinh tế thành phố chịu trách nhiệm phối hợp Sở Tài chính-Vật giá triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại Điều 18 của Nghị định : Huy động vốn đầu tư ; đầu tháng 01 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

11. Ban Tổ chức Chính quyền thành phố triển khai nghiên cứu đề xuất các nội dung tại khoản 2, Điều 9, Điều 20 và Điều 21 của Nghị định : Chính sách ưu đãi cán bộ, công chức và tổ chức bộ máy, cán bộ công chức ; cuối tháng 3 năm 2002 trình các văn bản dự thảo cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.

12. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm thẩm định tất cả các văn bản do các cơ quan được phân công nêu trên soạn thảo, trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố.

13. Phân công các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và xét duyệt trước khi thông qua tập thể Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố các nội dung trên, như sau :

- Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phụ trách các nội dung 2, 7;

- Đồng chí Vũ Hùng Việt phụ trách các nội dung 1, 3, 4;

- Đồng chí Huỳnh Thị Nhân phụ trách các nội dung 5, 10;

- Đồng chí Mai Quốc Bình phụ trách các nội dung 6, 11;

- Đồng chí Nguyễn Thành Tài phụ trách các nội dung 8, 9.

14. Căn cứ sự phân công trên, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan có liên quan khẩn trương tổ chức nghiên cứu, xây dựng các văn bản phù hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, trước khi ban hành, theo đúng tiến độ thời gian quy định.

15. Ban chỉ đạo Cải cách hành chính chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, góp ý nội dung dự thảo các văn bản và hỗ trợ nguồn lực cho các sở - ngành thành phố có liên quan thực hiện Chỉ thị này.

16. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện từng nội dung; kịp thời báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết./.

 

 

Nơi nhận :
- Thủ tướng Chính phủ
- Thường trực Thành Ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Các Sở - Ngành tại mục II
- VPHĐ-UB : CPVP, Tổ NCTH
- Lưu (TH)
 
 

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ




Lê Thanh Hải

 

 

 

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ