Chỉ thị 36/2007/CT-UBND tăng cường kiểm soát và bình ổn giá cả thị trường hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 36/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 31/08/2007
Ngày có hiệu lực 10/09/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thị Thúy Hòa
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36 /2007/CT-UBND

Huế, ngày 31 tháng 8 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT VÀ BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường; Công văn số 4463/BTM-TTTN ngày 03 tháng 8 năm 2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc bình ổn thị trường kiềm chế tăng giá và Công điện số 04/BTC-QLG ngày 06 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai các biện pháp kiềm chế tăng giá.

Để kiềm chế tốc độ tăng giá, ổn định kinh tế và đời sống nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các huyện khẩn trương tổ chức thực hiện những nội dung sau:

1. Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các huyện:

- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng dịch và hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại Công văn số 645/TTg-NN ngày 24 tháng 5 năm 2007, Công văn số 779/TTg-NN ngày 19 tháng 6 năm 2007 và Công văn số 962/TTg-NN ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A ở người và phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, Công điện số 05/CĐ- UBND ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở lợn; Công điện số 29/BNN-CĐ ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công điện số 6/CĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh về chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tai xanh.

- Tổ chức đoàn kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước và biến động của thị trường để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật, phương hại đến lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng.

2. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Thương mại tổ chức rà soát tình hình thực tế các mặt hàng trọng yếu (xăng dầu, lương thực, thực phẩm, đường, muối, xi măng, sắt thép, phân bón…) đảm bảo cân đối cung cầu, lưu ý kế hoạch chuẩn bị trong mùa mưa bão; làm việc với Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ thống nhất kế hoạch vận động các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng việc kiềm chế tăng giá các sản phẩm, hàng hóa và các dịch vụ liên quan có tác động mạnh đến việc tăng giá trên địa bàn tỉnh; đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh các giải pháp nhằm bình ổn thị trường tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong các tình huống; chú ý những vùng sâu, vùng xa, những vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh gia súc.

- Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức khảo sát, nghiên cứu các yếu tố hình thành giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ có tác động đến hiện tượng giá tăng cao không hợp lý trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh các giải pháp, trước mắt tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các chính sách giá theo quy định. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp lệnh giá và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án điều hành giá cả trên địa bàn, bảo đảm giữ bình ổn đối với một số loại hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của tỉnh.

3. Sở Thương mại:

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp bảo đảm thị trường hàng hóa lưu thông thông suốt, trước mắt cung ứng đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, đường, muối, phân bón, xăng dầu, sắt thép…nhằm bình ổn thị trường; xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão.

- Phối hợp với Sở Tài chính tổ chức theo dõi, tổng hợp và phân tích diễn biến thị trường giá cả, chú ý giá cả các mặt hàng trọng yếu (xăng dầu, lương thực, thực phẩm, đường, muối, xi măng, sắt thép, phân bón); hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức mở rộng thị trường cung ứng hàng hoá.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng, Ủy ban Nhân dân thành phố và các huyện tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tổ chức tuyên truyền việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, buôn lậu, kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn đã công bố, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với kiểm tra niêm yết giá, đăng ký giá và bán theo giá niêm yết.

4. Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Đài truyền hình Việt Nam tại Huế, Báo Thừa Thiên Huế tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh về công tác chỉ đạo cũng như các biện pháp quản lý điều hành giá, kiềm chế tăng giá và bình ổn giá cả thị trường.

5. Công an tỉnh, Cục Hải quan, Cục Thuế:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, gian lận qua giá.

- Tổ chức thông quan hàng hóa ngay trong ngày đối với các loại thực phẩm và hàng hóa thiết yếu nhập khẩu nhằm giảm áp lực tăng giá.

- Tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp về thuế theo quyết định của Bộ Tài chính.

- Cử cán bộ tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các vi phạm thuộc ngành quản lý.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chủ động kiểm tra phát hiện, xử lý khi dịch bệnh mới xuất hiện; công bố các vùng hết dịch để các địa phương tổ chức sản xuất, bảo đảm thu nhập cho nhân dân, trước mắt tập trung chỉ đạo thu hoạch vụ Hè - Thu, chủ động phòng chống thiệt hại do mưa lũ.

7. Sở Y tế:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình tiêu thụ, giá cả thuốc phòng chữa bệnh cho người, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá thuốc.

- Chỉ đạo cơ quan Vệ sinh phòng dịch phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra và xử lý các vi phạm về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, kiểm tra tình hình triển khai các dự án công trình đầu tư, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh vốn các công trình không bảo đảm tiến độ thi công và giải ngân trong năm 2007 cho các công trình khác có nhu cầu cấp thiết hơn để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Phối hợp với các ngành chức năng và địa phương liên quan tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cho các công trình đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA.

9. Kho Bạc Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn chỉnh các thủ tục thanh toán và thanh toán kịp thời các công trình đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường kiểm soát chi, chủ động phối hợp với Sở Tài chính triển khai các biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách Nhà nước.

[...]