Công văn số 779/TTg-NN về việc chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 779/TTg-NN |
Ngày ban hành | 19/06/2007 |
Ngày có hiệu lực | 19/06/2007 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 779/TTg-NN |
Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2007 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ; |
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại nhiều xã, phường ở 18 tỉnh, thành phố, chủ yếu trên đàn thủy cầm chưa được tiêm phòng; các ổ dịch mới tiếp tục xuất hiện và có xu hướng lây lan rộng. Đã có 5 trường hợp mắc cúm A (H5N1) ở người, trong đó có một người tử vong và có nguy cơ mắc thêm do nguồn lây từ gia cầm mắc bệnh đang gia tăng. Dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người đang xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới và tiếp tục có những cảnh báo về nguy cơ xuất hiện đại dịch cúm trên toàn cầu. Trong khi đó có nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch, chỉ đạo không kiên quyết; người dân chưa tự giác, tích cực khai báo dịch và tiêm phòng cho gia cầm, vẫn tiếp xúc, giết mổ, sử dụng gia cầm bị bệnh, chết. Đây là nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và lây lan sang người.
Để sớm chấm dứt tình trạng trên đây, khẩn trương bao vây khống chế, ngăn chặn, dập tắt dịch cúm gia cầm và không để xảy ra dịch cúm A (H5N1) ở người, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Nghiêm túc kiểm điểm và báo cáo việc thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 645/TTg-NN ngày 24 tháng 5 năm 2007.
b) Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người, phải duy trì giao ban thường xuyên, đôn đốc kiểm tra thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và khắc phục ngay tư tưởng chủ quan, lơ là trong các cơ quan và trong nhân dân. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp chính quyền, kể cả thôn, xóm, ấp, bản trong phòng, chống dịch và nếu để dịch xảy ra trên địa bàn.
c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y các cấp và người chăn nuôi tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch đến từng cơ sở, hộ chăn nuôi. Khi có gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh hoặc phát hiện đàn thủy cầm nhiễm vi rút cúm H5N1 phải tiêu hủy ngay đàn gia cầm và hỗ trợ kịp thời theo quy định hiện hành cho người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, kiên quyết bao vây dập tắt ổ dịch ngay từ đầu, không để dịch bệnh lây lan.
d) Tổ chức lại công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm theo hướng tiêm phòng triệt để, đặc biệt là thủy cầm ở vùng có nguy cơ cao về dịch và vùng yêu cầu phải tiêm phòng bắt buộc; toàn bộ thủy cầm chăn nuôi theo phương thức chạy đồng phải được tiêm phòng và có sổ theo dõi quản lý. Thường xuyên tiêm bổ sung cho gia cầm sau khi ấp nở, gia cầm mới nuôi tái đàn và tiêm đúng, đủ liều theo quy định của chuyên môn; xem xét việc tiêm cho gia cầm ngay tại các lò ấp trước khi xuất bán con giống vì nếu thả đàn ngay sẽ khó kiểm soát.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả tiêm phòng vắc xin trong thời gian qua, từ việc tổ chức chỉ đạo thực hiện, trong đó có báo cáo kết quả tiêm phòng, tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin, kinh phí, bố trí lực lượng tiêm, hướng dẫn chuyên môn, trách nhiệm của chính quyền, người đi tiêm và trách nhiệm của người chăn nuôi, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.
đ) Kiểm soát chặt chẽ về thú y trong vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, nhất là tại các vùng có ổ dịch, các đô thị, nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ cao về dịch. Nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ vùng ổ dịch ra ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, cho hoặc phát tán gia cầm bị bệnh, ốm chết.
e) Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện giảm đàn trong thời gian có dịch. Mở rộng các mô hình chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghiệp tập trung, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, nơi có ổ dịch cũ, chợ buôn bán và cơ sở giết mổ gia cầm.
g) Các tỉnh biên giới phải chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nước ta, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tăng cường kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; thanh tra, đánh giá việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện, hiệu quả sử dụng kinh phí, vắc xin tiêm phòng ở các địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, các nhà khoa học và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về điều kiện ấp nở chăn nuôi thủy cầm, bảo đảm an toàn dịch bệnh và phát triển chăn nuôi thủy cầm bền vững theo hướng: các cơ sở ấp nở bán con giống thủy cầm phải được kiểm soát về thú y từ khi đưa trứng vào lò ấp đến khi xuất con giống bán cho người nuôi và các điều kiện về vệ sinh thú y khác. Trường hợp các cơ sở ấp nở không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y, không kiểm soát được dịch bệnh, kiên quyết không cho ấp nở, nếu làm lén lút thì tiêu hủy và xử phạt.
Chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu huy động các nhà khoa học trong và ngoài ngành nghiên cứu sử dụng vắc xin một ngày tuổi cho thủy cầm. Phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế xem xét đánh giá hiệu quả sử dụng vắc xin cho gia cầm ở các nước để có kết luận về hiệu quả sử dụng và việc tiếp tục sử dụng vắc xin ở nước ta. Phối hợp với Bộ Y tế giám sát chặt chẽ về vi rút, tình hình dịch cúm gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời.
3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát dịch tễ; kịp thời phát hiện, tích cực cứu chữa bệnh nhân; nghiên cứu, phát hiện phương thức vi rút cúm A (H5N1) lây lan sang người, đề xuất các biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả. Đánh giá rút kinh nghiệm kết quả điều trị bệnh nhân mắc cúm A vừa qua để sửa đổi bổ sung phác đồ điều trị cho phù hợp; tập huấn hướng dẫn cho tuyến dưới để tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn ở cơ sở và xử lý, điều trị bệnh nhân kịp thời theo hướng tại chỗ, vừa giảm tải cho tuyến trên khi có dịch vừa hạn chế bệnh dịch lây lan ra diện rộng. Đẩy mạnh công tác phối hợp nghiên cứu với các nước và các tổ chức quốc tế về phòng chống dịch cúm gia cầm ở người; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm vắc xin phòng, chống cúm A (H5N1) cho người ở Việt Nam.
4. Bộ Văn hóa-Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế tiếp tục tuyên truyền, đưa tin chính xác, kịp thời về diễn biến dịch, nguy cơ bệnh dịch và công tác phòng, chống dịch. Kịp thời biểu dương những địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và phê phán những nơi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
5. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế rà soát bổ sung thống nhất các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A ở người cho phù hợp.
6. Các Bộ, ngành chức năng trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các lực lượng liên ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công trong phòng, chống dịch./.
Nơi nhận: |
THỦ
TƯỚNG |