Chỉ thị 18/2007/CT-TTg về biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 18/2007/CT-TTg
Ngày ban hành 01/08/2007
Ngày có hiệu lực 22/08/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2007/CT-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH KIỀM CHẾ TỐC ĐỘ TĂNG GIÁ THỊ TRƯỜNG

Từ đầu năm 2007 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để thực hiện bình ổn giá, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng năm 2007 đã tăng 6,19%. Dự báo kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2007 vẫn tiềm ẩn những  biến động khó lường; nhu cầu cũng như giá cả nguyên, nhiên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là những vật tư hàng hóa mà nước ta phải nhập khẩu với khối lượng lớn như xăng dầu, phân bón, phôi thép tiếp tục gia tăng ở mức cao. Thêm vào đó là những khó khăn, thách thức, bất ổn của thiên tai, dịch bệnh cũng góp phần tạo sức ép tăng giá.

Để kiềm chế tốc độ tăng giá, góp phần ổn định  kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý sản xuất tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chủ động trong điều hành để bảo đảm cân đối của nền kinh tế, trước hết là cân đối lớn về hàng hóa, tiền tệ, cán cân thanh toán, chi ngân sách;

b) Rà soát, tập trung vốn đầu tư cho các dự án quan trọng; kiên quyết thực hiện việc điều chỉnh vốn của các công trình triển khai chậm (chưa mang lại hiệu quả ngay) cho các dự án có nhu cầu cấp thiết cần sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao. Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách để đầy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước và nguồn vốn ODA, nhất là giải ngân các công trình đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và nông nghiệp; thực hiện việc ứng vốn cho các dự án đang vướng mắc về thủ tục thanh toán theo tiến độ thực hiện.

c) Chỉ đạo Tổng cục Thống kế xây dựng phương án tính toán chỉ số giá tiêu dùng xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế để trình Quốc hội khóa XII xem xét sửa đổi Luật thống kê tại kỳ họp thứ 2.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Rà soát các chính sách điều hành tiền tệ để có biện pháp thích hợp kiểm soát được mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và mức huy động tín dụng; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền trong lưu thông ở mức hợp lý; giữ bình ổn tỷ giá hối đoái, các lãi suất chủ đạo của đồng tiền Việt Nam, không để xảy ra những đột biến trên thị trường tiền tệ;

b) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiểm soát lạm phát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3678/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ.

3. Bộ Tài chính:

a) Tổ chức ngay việc phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc với nhiều kỳ hạn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong lưu thông trên cơ sở giải ngân nhanh, có hiệu quả số tiền huy động từ trái phiếu và tuân thủ quy trình, thủ tục đầu tư hiện hành. Thực hiện việc cắt, điều chỉnh và thu hồi vốn đối với các Bộ, cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng thời hạn điều hòa, điều chỉnh vốn theo quy định;

b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm kinh phí hỗ trợ mua vắc xin, tiêm phòng, tiêu hủy gia súc bị bệnh tại những địa phương có dịch; bổ sung kinh phí nhập khẩu vắc xin cúm gia cầm H5N1 cho kế hoạch tiêm phòng năm 2007; thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh tế phòng, chống dịch tai xanh ở lợn như cơ chế hỗ trợ đối với dịch lở mồm long móng ở gia súc;

c) Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán và điều hòa cung cầu chứng khoán, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững; chọn những công ty có uy tín để phát hành cổ phiếu thu hút tiền lưu thông cho sản xuất;

d) Tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển sang cơ chế giá trị thường đối với các loại dầu nhưng phải chủ động bàn với Bộ Thương mại và các Bộ quản lý sản xuất để quyết định thời điểm điều chỉnh thích hợp; trong quý III năm 2007, bàn với các Bộ quản lý sản xuất, các tập đoàn, các tổng công ty ngành hàng lớn về các giải pháp điều hành hợp lý đối với giá một số vật tư, hàng hóa quan trọng, như giá bán điện, giá bán than cho sản xuất xi măng, phân lân, giấy viết, điện, giá cước vận tải hành khách xe buýt, giá nước sạch sinh hoạt, giá dịch vụ bưu chính; thống nhất với Bộ Bưu chính, Viễn thông và các cơ quan liên quan để trong quý III năm 2007 thực hiện giảm giá đối với dịch vụ viễn thông và một số hàng hóa, dịch vụ khác;

đ) Thành lập ngay các đoàn kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá của các mặt hàng đang có giá tăng cao, như thép, gas; đồng thời tăng cường kiểm soát giá độc quyền; phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của Pháp lệnh giá đối với các hành vi định giá, liên kết định giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao;

e) Thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng, thức ăn cho chăn nuôi (ngô, khô dầu...); giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với vật tư hàng hóa nhập khẩu là đầu vào của sản xuất; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định;

g) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm thông quan ngay trong ngày đối với các loại thực phẩm và một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu;

h) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách; tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm giữ mức bội chi ngân sách trong khoảng 5% GDP;

i) Rà soát để từ tháng 8 năm 2007 điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu hợp lý, tăng 3 cung ứng hàng cho thị trường trong nước.

4. Bộ Thương mại:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, góp phần hạn chế nhập siêu; tổ chức tốt và bảo đảm thị trường, hàng hóa lưu thông thông suốt;

b) Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trong, ngoài nước; tổ chức tốt công tác phân tích, dự báo cung cầu hàng hóa; rà soát lại cân đối cung cầu các loại hàng hóa, dịch vụ trọng yếu, các mặt hàng tăng giá để có biện pháp cụ thể bảo đảm cân đối cung cầu, trước hết là các mặt hàng thực phẩm; đề xuất với Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu đối với các loại hàng thực phẩm, thức ăn gia súc thiếu nguồn cung;

c) Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại; kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn đã công bố gắn với kiểm tra niêm yết giá, đăng ký giá và bán hàng theo giá niêm yết.

5. Bộ Công nghiệp:

Chỉ đạo thực hiện các biện pháp đồng bộ, không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tập trung nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp đang có lợi thế cạnh tranh, có tốc độ tăng xuất khẩu cao như sản xuất điện tử và linh kiện điện tử, máy vi tính, phần mềm, dây và cáp điện, sản phẩm nhựa và hàng thủ công mỹ nghệ. Chỉ đạo các ngành sản xuất thép, phân bón, than và các ngành sản xuất các sản phẩm quan trọng khác có các biện pháp cụ thể tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành. Việc điều chỉnh giá đối với than cho các hộ tiêu dùng lớn cần cân nhắc kỹ về thời điểm thực hiện để không tạo ra các yếu tố làm tăng chỉ số giá tiêu dùng xã hội.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

[...]