Chỉ thị 359/TTg năm 1996 về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 359/TTg |
Ngày ban hành | 29/05/1996 |
Ngày có hiệu lực | 13/06/1996 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Võ Văn Kiệt |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 359/TTg |
Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ
Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy mỗi đất nước, mỗi dân tộc và mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển.
Nhưng ở nước ta thực trạng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng là nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã và đang bị săn bắt, buôn bán, xuất khẩu trái phép, thậm chí giết mổ làm món ăn đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn, phục vụ thói quen tiêu xài lãng phí của một số người. Do dễ dàng tiêu thụ với thu nhập cao đã tạo ra việc làm rất nguy hại và kích thích một số người săn bắt, buôn bán trái phép loại hàng này bất chấp các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển động vật hoang dã, quý hiếm.
Do việc săn bắt chim, thú rừng tuỳ tiện cùng với nạn đốt phá rừng đã phá hoại nghiêm trọng môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã, làm cho một số loài trở nên hung dữ, gây ra những thảm hoạ đối với con người như: nạn voi dữ, lợn rừng phá hoại sản xuất; nạn chuột, châu chấu phá hoại mùa màng ở nhiều nơi vv... Trước tình hình nghiêm trọng nói trên, dư luận của quần chúng nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng, các nhà khoa học... đã nhiều lần lên tiếng, đòi hỏi phải có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.
Để bảo vệ tài nguyên đất nước, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong việc bảo vệ và phát triển động vật hoang dã, đặc biệt là những loài động vật quý hiếm, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các ngành, các cấp tập trung giải quyết những biện pháp cấp bách sau đây:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng; Kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, tàng trữ bất hợp pháp động vật hoang dã, quý hiếm ở các chợ nội địa, chợ đường biên, các trục giao thông, bến cảng, sân bay và các tụ điểm khác.
Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng hữu quan để kiểm tra, giám sát ngăn chặn việc xuất khẩu bất hợp pháp động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, quý hiếm.
Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Đối với số động vật hoang dã, quý hiếm thu giữ được qua kiểm tra phải thả trở lại môi trường sống của chúng. Trước khi thả phải kiểm tra kỹ về tình trạng sức khoẻ, dịch bệnh và đặc điểm sinh thái, bảo đảm con vật sống và phát triển .
Trường hợp cần phải nuôi dưỡng để nhân giống trong các cơ sở của Nhà nước hoặc tại các công viên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường, các cơ quan khoa học, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thí điểm một số trung tâm cứu hộ để nuôi dưỡng, theo dõi động vật hoang dã trước khi thả trở lại rừng.
3. Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo các ngành, các cấp kiểm tra, thu giữ các loại súng quân dụng, súng hơi và các phương tiện dùng để săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Nghiêm cấm chế tạo và sử dụng các loại phương tiện này trái với những quy định hiện hành.
4. Nghiêm cấm các nhà hàng, khách sạn kinh doanh những món ăn đặc sản, các cửa hiệu trưng bày quảng cáo, bán các sản phẩm thuộc động vật hoang dã, quý hiếm săn bắt từ tự nhiên, trừ các trường hợp quy định tại điểm 5 của Chỉ thị này.
5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm rà soát, xem xét để cấp đăng ký lại cho những trường hợp đã được cấp giấy phép kinh doanh các mặt hàng đặc sản thuộc động vật hoang dã, quý hiếm. Việc cấp lại giấy phép kinh doanh phải bảo đảm các quy định sau:
- Phải đăng ký các loại mặt hàng kinh doanh và đề biển quảng cáo rõ các món ăn đặc sản từ động vật để tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát.
- Các cửa hàng phải tự tổ chức gây nuôi lấy những loài động vật hoang dã, quý hiếm để phục vụ kinh doanh các mặt hàng đặc sản và phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định 18/HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 và các quy định hiện hành.
- Phải chỉ rõ nơi gây nuôi và nguồn động vật trên để cung cấp cho nhà hàng kinh doanh đặc sản.
- Phải cam kết không thu mua những động vật hoang dã, quý hiếm của người săn bắt từ tự nhiên để làm hàng kinh doanh.
6. Khuyến khích tổ chức, cá nhân gây nuôi phát triển các loài động vật hoang dã bao gồm cả động vật quý hiếm để kinh doanh, xuất khẩu và phải thực hiện theo quy định của Nghị định 18/HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 và các quy định hiện hành, đúng Công ước quốc tế CITES.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Thuỷ sản và các ngành có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 1996 về việc điều chỉnh bổ sung danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ động vật quý hiếm đã nêu trong Nghị định 18/HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992. Đồng thời phải xây dựng cơ chế quản lý, trong việc gây nuôi phát triển, kinh doanh động vật hoang dã, quý hiếm nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi.
7. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản tăng cường quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên đã có, đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu xác định về loài và đặc điểm sinh thái của mỗi loài động vật hoang dã đặc biệt là động vật quý, hiếm để lập danh mục động vật quý, hiếm riêng của Việt Nam và bổ sung vào Công ước quốc tế (CITES).
8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành có liên quan rà soát lại các văn bản pháp quy hiện hành của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới và tình hình thực tế, khẩn trương xây dựng quy chế, điều lệ về quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi động vật hoang dã, quý hiếm.
9. Các cơ quan thông tin đại chúng phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng hợp lý các loài động vật hoang dã, quý hiếm cho toàn dân biết để thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và đưa vào chương trình giáo dục phổ cập về ý thức trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
|
Võ Văn Kiệt (Đã ký) |