Chỉ thị 34/CT-BCT năm 2014 thực hiện Nghị quyết 87/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 34/CT-BCT
Ngày ban hành 27/12/2014
Ngày có hiệu lực 27/12/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 34/CT-BCT

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 87/2014/QH13 NGÀY 28 THÁNG 11 NĂM 2014 VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 87/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các giải pháp đã nêu trong các văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai một số việc cụ thể như sau;

1. Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Xây dựng Kế hoạch để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ;

- Đề xuất cơ chế, chính sách đủ mạnh nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cơ chế thị trường; trong đó, chứ trọng thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo phục vụ các ngành kinh tế, nhất là phục vụ sản xuất nông nghiệp;

- Huy động mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài, bảo đảm thu được kết quả thấy rõ trong các lĩnh vực trên từ năm 2015, tiến tới thực hiện thành công quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ;

- Nghiên cứu, trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ để xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ;

- Tích cực triển khai Chương trình hành động của Bộ Công Thương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp nhằm thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

- Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam; các Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, tận dụng tối đa các cơ hội của quá trình hội nhập để phát triển ngành công nghiệp ô tô;

- Triển khai có hiệu quả Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” phê duyệt tại Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ;

- Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho Dự án xây dựng các Trung tâm trình diễn cơ khí hóa nông nghiệp quy định tại Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng đa chức năng, lồng ghép phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành cơ khí, ô tô;

- Nghiên cứu phát triển một số dự án sản xuất các loại thép trong nước chưa sản xuất được, sử dụng nguồn nguyên liệu chính trong nước, có quy mô trên 2-3 triệu tấn/năm nhằm tạo nguyên liệu đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành cơ khí chế tạo và ngành công nghiệp hỗ trợ.

- Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam:

+ Đối với Tổ hợp Bôxit-Nhôm Lâm Đồng: Tăng cường công tác quản trị chi phí, cải tiến kỹ thuật, sớm tiếp cận, làm chủ công nghệ, thiết bị, quản lý vận hành, tổ chức sản xuất tốt để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả của Dự án; chủ động tìm nguồn cung cấp vật tư, phụ tùng linh kiện thay thế;

+ Đối với Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ: Tìm giải pháp rút ngắn tiến độ, đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng và an toàn, khắc phục khó khăn đến tháng 7 năm 2015 hoàn thành toàn bộ và đưa Dự án vào sản xuất;

+ Chỉ đạo Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông hoàn thành đầu tư và đi vào sản xuất đúng tiến độ;

+ Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án mỏ sắt Thạch Khê; đồng thời, nghiên cứu khả năng xây dựng Nhà máy Liên hợp thép Thạch Khê theo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025, nhằm tận dụng có hiệu quả nguồn quặng sắt tại chỗ.

- Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc chủ trương không xuất khẩu quặng thô và tinh quặng.

2. Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép, gian lận thương mại; xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tạo chuyển biến tích cực trong năm 2015 và các năm tiếp theo;

- Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của thương nhân nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam không tuân thủ các quy định của pháp luật;

- Khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thiện việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA của liên Bộ Tài chính - Công Thương - Công an quy định về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng giảm thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bày bán, đề tại kho, bến, bãi xuống còn 24 giờ để các đối tượng buôn lậu không thể lợi dụng quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng lậu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân; làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường, hàng hóa, giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động của đối tượng, từ đó đề ra các phương án đối phó kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra;

- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, xác định các mặt hàng, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát theo từng tuyến, từng khu vực trọng điểm và giải pháp tập trung đấu tranh, ngăn chặn; theo dõi, đôn đốc Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng; tiếp tục hoàn thiện “Đề án chống buôn lậu và sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng”;

- Theo dõi, đôn đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn; chủ động tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan như cơ quan Công an, Thanh tra chuyên ngành Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ... để kiểm tra, xử lý vi phạm về phân bón hiệu quả và đúng theo quy định của pháp Luật;

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông như truyền hình, báo chí... tổ chức tuyên truyền, thông tin kịp thời kết quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón, nâng cao nhận thức người dân. Đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ cụ thể của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm, nhất là các cơ sở tái phạm nhiều lần;

[...]