Nghị quyết 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV

Số hiệu 33/2016/QH14
Ngày ban hành 23/11/2016
Ngày có hiệu lực 07/01/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 33/2016/QH14

 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XIV

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, trả lời 2.406 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2; tiếp tục tổ chức thực hiện các nghị quyết giám sát của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Điều 2.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2017, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau; tập trung vào các nội dung sau đây:

1. Đối với lĩnh vực công thương

- Rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

- Hoàn thành việc xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thị trường trong nước; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này.

- Triển khai nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về quản lý thị trường để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh phân bón; xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.

- Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; hoàn thành danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017, cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô.

- Tiếp tục tổng rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, gắn phát triển thủy điện với thủy lợi; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của Nhân dân vùng hạ lưu.

2. Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường. Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế; hướng dẫn về đánh giá và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư. Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế về việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường theo nguyên tắc thị trường.

- Hoàn thành việc rà soát, đánh giá tổng thể, có giải pháp cụ thể, khả thi để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Thực hiện các biện pháp, bảo đảm không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm mới và kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong danh mục đã được rà soát, phê duyệt. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tại khu, cụm công nghiệp trước khi đi vào hoạt động; tổ chức di dời và hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung; chú trọng việc kiểm tra, thanh tra các nguồn phát thải gây ô nhiễm sông, suối, hồ, biển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu công nghiệp, khu kinh tế.

- Giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của Dự án Formosa Hà Tĩnh, theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung; bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ Dự án trước khi đi vào sản xuất.

- Rà soát, bảo đảm thực hiện yêu cầu về điều kiện môi trường khi công nhận làng nghề, xây dựng nông thôn mới; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; huy động nguồn lực, tập trung giải quyết dứt điểm tối đa số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

- Rà soát hoạt động đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã đầu tư, nhất là các nhà máy nhiệt điện than, các dự án sản xuất thép, các dự án ven sông, ven biển; xác định rõ trách nhiệm trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án gây ô nhiễm sau khi đi vào hoạt động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chấn chỉnh khâu thẩm định; kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng việc đánh giá tác động môi trường.

- Hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan đến khí tượng thủy văn và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai Kế hoạch Châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá, cơ chế để Nhân dân giám sát việc quản lý khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Chỉ đạo kiểm tra việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, khu vực khoáng sản để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; sớm đưa vào vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu các khu vực đã cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc; chấn chỉnh hoạt động cấp phép hoạt động khoáng sản, hạn chế hoạt động khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ và ngăn chặn triệt để khai thác khoáng sản trái pháp luật. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; có biện pháp khắc phục tình trạng không có cơ quan chịu trách nhiệm chính khi xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, cát, sỏi lòng sông trái phép tại vùng giáp ranh giữa các địa phương; có giải pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

3. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo

- Tổ chức rà soát để thực hiện hiệu quả Luật giáo dục; hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới tổ chức công tác thi và tuyển sinh theo lộ trình, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy và học, tránh tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh; tổ chức định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông phù hợp với cơ cấu phát triển nguồn nhân lực quốc gia, điều kiện kinh tế-xã hội, nhu cầu nhân lực của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, góp phần xây dựng xã hội học tập.

- Thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bảo đảm chất lượng, phù hợp với định hướng đổi mới, triển khai áp dụng từ năm học 2018-2019; đánh giá toàn diện, có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, mô hình trường học mới (VNEN); tăng cường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ